ILO hỗ trợ Lào Cai ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em
Với sự kiện truyền thông được tổ chức lồng ghép nhân dịp tổng kết năm học 2012 - 2013 tại Trường THCS San Sả Hồ đã thu hút hàng nghìn học sinh, nhân dân và khách du lịch tham dự. Tại đây, khán giả được giao lưu và tham gia thi tìm hiểu về quyền trẻ em, các vấn đề phòng chống lao động trẻ em; được xem 02 vở kịch về phòng chống lao động trẻ em do các nghệ nhân, diễn viên Khu du lịch Cát Cát biểu diễn. Nhân dịp này, tỉnh Lào Cai trao 30 suất học bổng khuyến khích 30 trẻ em tiêu biểu trong danh sách của dự án đã có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện vừa tách khỏi môi trường phải tham gia lao động để duy trì kết quả học tập tốt.
Một buổi truyền thông tại xã San Sả Hồ. (Ảnh: Duy Biên)
Xác định trẻ em là đối tượng trực tiếp bị tác động, các hoạt động truyền thông trong ngành giáo dục được triển khai đồng bộ: tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, tổng phụ trách đội và cán bộ cơ sở của 2 xã về kỹ năng truyền thông phòng chống lao động trẻ em. Vận động học sinh trong độ tuổi đến trường đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Xây dựng bộ tài liệu và công cụ giáo dục song ngữ cho lớp học mầm non 5 tuổi và tiểu học. Đầu tư trang thiết bị và xây dựng lớp học bán trú cho trường tiểu học xã San Sả Hồ, Lao Chải. Vận động doanh nghiệp tại Sa Pa hỗ trợ xây dựng khu nhà bán trú cho trường THCS San Sả Hồ với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra chất lượng dạy và học song ngữ; kết quả năm học 2012 - 2013, tỷ lệ trẻ em đến trường và tỷ lệ chuyên cần ở 2 xã của chương trình đạt 98,75%.
Đối với các hoạt động về du lịch, ngành du lịch của tỉnh đã mở thêm 4 modum cung cấp thông tin hữu ích và minh bạch về dịch vụ du lịch cũng như vấn đề phòng chống sử dụng trẻ em tham gia vào hoạt động du lịch. Khu trưng bày triển lãm hàng thủ công thổ cẩm đã đi vào vận hành với 10 thành viên. Đây trở thành điểm du lịch mới của khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu quy trình làm thổ cẩm và mua sản phẩm thổ cẩm chính hiệu của bà con dân tộc Sa Pa.
Đối với mô hình phát triển kinh tế hộ, Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (Vi Ri) đã hỗ trợ thành lập 12 nhóm may thêu, bán hàng thổ cẩm, trồng thảo quả, nghề du lịch, Homestay,...122 hộ gia đình có trẻ em thuộc dự án đã tham gia vào mô hình thử nghiệm này. Nhóm thổ cẩm đã sản xuất được 29 loại mẫu sản phẩm với sản lượng 3.500 sản phẩm/tháng, thu nhập trung bình đạt 850.000/người/tháng. Nhóm thảo quả được đào tạo kỹ thuật gieo ươm trồng và thu hoạch bền vững; vụ thu hoạch năm 2012, giá thảo quả tăng 30% so với năm trước; ngoài bán thảo quả thô, thảo quả còn được đóng túi, chế biến thành tinh dầu... Đến nay, các nhóm đều thu hút và mở rộng nhiều thành viên tham gia. 100% thành viên các nhóm đã nhận thức đầy đủ về phòng chống lao động trẻ em và việc đi học của con em trong gia đình là rất quan trọng. Thông qua hoạt động này đã huy động được 5 trẻ bỏ học quay trở lại trường học.
Tư vấn học nghề cho các thành viên nhóm phát triển kinh tế. (Ảnh: Duy Biên)
Để giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ gia đình tham gia nhóm phát triển kinh tế, tỉnh Lào Cai phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (Vi Ri), Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế tại Hà Nội (ILO) tổ chức Hội thảo quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, thủ công truyền thống tại Sa Pa. Hội thảo đã tạo cơ hội cho các hộ gia đình, nhóm phát triển kinh tế khẳng định giá trị các sản phẩm truyền thống; tìm kiếm khách hàng cho các sản phẩm; góp phần duy trì và phát triển nghề bền vững.
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, Chương trình hành động về ngăn ngừa, giải quyết và phục hồi lao động trẻ em trong các hoạt động dịch vụ du lịch và những lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khác do tổ chức ILO hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu và tiến tới xoá bỏ lao động trẻ em, đặc biệt là trẻ em bán hàng rong tại các địa điểm du lịch trên địa bàn hai xã San Sả Hồ, Lao Chải của huyện Sa Pa./.