Thành phố Lào Cai như dải lụa trải dọc phía Nam ngã ba sông Hồng, sông Nậm thi. Trước Công nguyên, thành phố Lào Cai đã là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá quan trọng ở ven bờ sông Cối (sông Hồng).
Nằm ở phía Nam tỉnh Lào Cai, trên độ cao từ 700 - 900 mét so với mặt nước biển, Văn Bàn là huyện vùng cao, có diện tích lớn thứ 2 trong tỉnh, gồm 12 dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Giáy, Thái, Nùng, Mường, Hoa, Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì. Đông nhất là dân tộc Tày (chiếm hơn 50%), các dân tộc có số lượng ít là Nùng, Mường, Hoa, Sán Chay, Hà Nhì. Đặc biệt, Văn Bàn là nơi duy nhất của tỉnh Lào Cai có dân tộc Mông Xanh - một trong 4 ngành của dân tộc Mông cư trú ở Việt Nam.
Hành trình lên Tây Bắc ngược chiều con sông Chảy, theo quốc lộ 70, qua đất Lục Yên, khi thấy xuất hiện hai bên ven đường những vườn cam sành trĩu quả, những địu măng tươi hay gùi khoai sọ tím dẻo thơm trên đôi vai những thôn nữ là biết đã tới đất Bảo Yên. Nơi đây là quê hương của trận Phố Ràng lịch sử, là cửa ngõ phía Đông Nam mở vào vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng và nền văn hoá đặc sắc của 27 dân tộc Lào Cai.
Bát Xát ở dọc theo Sông Hồng, phía Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thành phố Lào Cai, phía Đông là sông Hồng và phía Tây giáp Sa Pa. Bát Xát gọi đúng từ, đúng âm là “Pạc srạt” với hai nghĩa hiểu khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “Một trăm tấm cót” còn nghĩa thứ hai là “miệng thác” hoặc “bến thác”.
Bảo Thắng là vùng thung lũng nằm ven hai bên sông Hồng, thuộc vùng đất cổ nằm chính giữa tỉnh Lào Cai. Từ buổi bình minh dựng nước thuộc đất Tây Âu của Thục Phán, thời Bắc thuộc là châu Cam Đường quận Giao Chỉ; đời Lý thuộc Châu Đăng; đời Trần thuộc Quy Hoá; từ thời nhà Lê đến thực dân Pháp chiếm đóng (1886) thuộc châu Thuỷ Vĩ, phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Tên Bảo Thắng xuất phát từ châu Bảo Thắng ra đời vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX.
Vùng đất Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng theo tiến địa phương là Mường Gang. Quá trình biến đổi của thời gian tên gọi được biến âm đọc chệch đi là Mường Khương; đến thời Pháp thuộc danh xưng Mường Khương được gọi một cách thông dụng.
Bắc Hà cũng như các huyện, thị khác có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Thời Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán; thời Bắc Thuộc thuộc châu Cam Đường, quân Giao Chỉ; thời Lý thuộc châu Đăng; đời Trần thuộc lộ Quy Hoá; từ thời nhà Lê đến thời Pháp chiếm đóng thuộc động Ngọc Uyển, châu Thuỷ Vĩ, phủ Quy Hoá.
Địa danh Si Ma Cai có nghĩa là “Chợ ngựa mới”, bởi xưa kia chợ họp 6 ngày/phiên ở phố Cũ. Địa thế phố Cũ tương đối bằng phẳng, nên người dân dựng nhà san sát hai bên tạo nên dãy phố. Bao quanh phố Cũ là 1 khu rừng nên người dân phố Cũ có dư thừa nguồn nước. Dần dần chợ được chuyển lên khu lưng chừng núi, tuy thiếu nước nhưng địa thế thoáng đãng, tầm mắt có thể nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn, và cái tên Si Ma Cai được hình thành, theo âm tiếng Hmông là Xênh Mùa Ca.
Cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai. Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang - là một trung tâm kinh tế chính trị lớn ở thượng nguồn sông Hồng. Đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê có biết bao biến động về địa danh. Đến đời nhà Nguyễn, vùng đất Lào Cai chủ yếu thuộc đất của châu Thuỷ Vỹ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hoá. Đến thời điểm này địa danh Lào Cai chưa được hình thành.