Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào Cai: Thành công và thách thức
Để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Lào Cai hướng tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, cần có cách nhìn khách quan, đánh giá toàn diện kết quả, tác động của FDI tới sự phát triển kinh tế địa phương trong dòng chảy thu hút FDI suốt 25 năm qua.
Dự án FDI “Khách sạn Victoria tại Sa Pa” luôn hoạt động hiệu quả |
Dấu ấn từ những con số
Tái lập tỉnh vào năm 1991, song hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lào Cai được khởi đầu vào năm 1996. Nhìn lại 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, nay là Luật Đầu tư (1987 -2012), một điều dễ nhận thấy là mặc dù còn nhiều khó khăn, song dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào địa phương đã đem lại những kết quả khả quan, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của địa phương.
Kể từ khi thu hút được dự án FDI đầu tiên đến nay, Lào Cai đã có 58 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 562,2 triệu USD. Tuy nhiên, để các dự án này thực sự phát huy hiệu quả, thời gian qua địa phương đã tích cực rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động FDI trên địa bàn, qua đó thu hồi 28 dự án với quy mô nhỏ với vốn đăng ký 43,7 triệu USD do vi phạm pháp luật về đầu tư. Bởi vậy, đến thời điểm hiện nay, Lào Cai có 30 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 518,5 triệu USD.
Các dự án FDI này chủ yếu là của các nhà đầu tư Trung Quốc, Pháp, Singapore...; tập trung vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và thuỷ sản. Trong đó, điển hình là dự án “Khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng nhà máy gang thép Việt – Trung” có tổng mức đầu tư 337,5 triệu USD, dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện Séo Chung Hô” với tổng mức đầu tư 37,9 triệu USD...
Nhìn chung, so với cả nước kết quả thu hút FDI của Lào Cai mới chỉ đạt được ở mức ở mức thấp. Tuy nhiên, so với khu vực các tỉnh miền núi nói chung và so với điều kiện xuất phát điểm thấp của tỉnh Lào Cai tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, kết quả thu hút FDI của Lào Cai trong giai đoạn vừa qua có thể đánh giá là đã đạt được những thành công bước đầu. Ước tính giai đoạn 1996-2012, doanh thu đóng góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn từ nguồn FDI đạt 149,5 triệu USD (tương đương 2.990 tỷ đồng); thu ngân sách đạt 41,4 tỷ đồng. Mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp FDI còn thấp, nguyên nhân do một số dự án lớn (nhà máy gang thép Việt – Trung, khách sạn 4 sao và khu vui chơi giải trí...) đang trong quá trình triển khai xây dựng, chưa đi vào hoạt động, nhiều dự án đang trong giai đoạn được hưởng ưu đãi đầu tư, các dự án FDI nhỏ của các nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, FDI đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế như khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện, sắt thép cũng như góp phần hình thành một số khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 4- 5 sao, dịch vụ du lịch...đã du nhập phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp dân cư.
Về mặt xã hội, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại. Giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã tạo ra trên 3.000 việc làm. Riêng năm 2012, tạo việc làm mới cho gần 1.900 lao động. Trong đó, tập trung ở các dự án lớn, hoạt động hiệu quả như điển hình là công ty liên doanh Khách sạn quốc tế Lào Cai (thường xuyên 350 lao động), công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (trên 500 lao động). Thu nhập bình quân của lao động tăng qua các năm, năm 2012 đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Thách thức không nhỏ
Mặc dù tỉnh Lào Cai có những lợi thế nhất định trong thu hút nguồn FDI như nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, tiềm năng thuỷ điện, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch và nông lâm nghiệp; môi trường đầu tư của tỉnh Lào Cai được đánh giá là hấp dẫn. Nhưng trên thực tế Lào Cai chưa thu hút các dự án FDI có quy mô lớn từ các nước phát triển hoạt động trên các lĩnh vực khuyến khích đầu tư có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.
Nhìn lại cả 25 năm qua, dòng vốn FDI có quan hệ chặt chẽ với các cuộc khủng hoảng, đó là năm 1997 và gần đây. Từ đỉnh 2008 đến nay vốn đăng ký có sự suy giảm rất mạnh; chẳng hạn, năm 2010, Lào Cai không thu hút được dự án FDI nào. Việc suy giảm FDI trong vài năm trở lại đây có liên quan chặt chẽ với suy giảm kinh tế chung trên thế giới. Cho dù số lượng thu hút dự án mới suy giảm, song điều đáng quan tâm ở đây là chất lượng giải ngân các dự án. Đến thời điểm hiện nay, tổng vốn giải ngân của các dự án FDI trên địa bàn đạt 205 triệu USD, đạt gần 40% tổng vốn đăng ký. Trong đó có 12 dự án đã hoàn thành giải ngân, hoạt động ổn định, 12 dự án đã hoàn thành giải ngân nhưng hoạt động cầm chừng và 12 dự án đang thực hiện giải ngân.
Nhiều dự án FDI chưa được giải ngân đúng tiến độ không phải do nhà đầu tư không có khả năng tài chính mà do tâm lý chờ đợi cơ hội, chờ đợi các điều kiện hạ tầng nhất định mới triển khai đầu tư; bên cạnh đó nhiều dự án đã thực hiện đầu tư, song hầu như không hoạt động, hiệu quả sử dụng đất kém... vì vậy khả năng đóng góp giá trị thực tế của khu vực FDI vào nền kinh tế quốc dân còn rất hạn chế so với tiềm năng.
Lào Cai nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhưng vấn đề giao thông chưa thuận lợi là một trở ngại khá lớn. Tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã được khởi công xây dựng song theo tiến độ dự án đến cuối năm 2013 mới hoàn thành. Trong khi đó, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai luôn trong tình trạng quá tải cùng với tuyến quốc lộ 70 mặc dù đã được cải tạo, song vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển của người và hàng hoá. Đây là một trong những “điểm nghẽn” rất lớn đối với việc thu hút FDI vào Lào Cai thời gian qua.
Những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về quy định pháp luật của Việt Nam với nước ngoài, khiến cho nhà đầu tư lúng túng. Khi lập dự án một số nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ thị trường nên khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; hiệu quả đầu tư thấp.
Về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động FDI của Việt Nam từ năm 1996 đến nay đã có rất nhiều lần thay đổi, do đó ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và nắm bắt thông tin của các nhà đầu tư. Trên thực tế các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư còn chưa cụ thể; giữa các luật này còn nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo nên chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Nâng chất dòng vốn FDI
Cần khẳng định rằng, FDI tiếp tục là nguồn vốn quốc tế quan trọng đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, khi viện trợ phát triển (ODA) đang có xu hướng giảm, khi đầu tư gián tiếp khá bấp bênh. Các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra thông điệp rõ ràng về định hướng FDI mới chuyển sang chính sách nâng cấp FDI, coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở định hướng FDI mới, cần đổi mới đồng bộ về thể chế, luật pháp, công tác quy hoạch, quản lý nhà nước như xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép, hướng dẫn, triển khai dự án, theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải tiến phân cấp quản lý, thiết lập hệ thống thu thập và xử lý thông tin về FDI.
Đối với tỉnh Lào Cai hướng đến mục tiêu chuyển việc thu hút và thực hiện FDI từ lượng sang chất, địa phương cần phải đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư, dự án có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hiện đại, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp; thiết lập mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới với doanh nghiệp trong nước nhằm làm cho các doanh nghiệp của địa phương được hưởng lợi nhờ vào hợp tác, phân công về công nghệ và thị trường; khuyến khích các tập đoàn kinh tế này hợp tác với các cơ sở đào tạo của địa phương, các tổ chức nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ và nguồn nhân lực cho địa phương.
Hơn thế, trước thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI đang gặp khó khăn do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát cao trong nước, chính quyền địa phương cần tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình trạng kinh doanh kém hiệu quả. Đó chính là cách xúc tiến đầu tư tốt nhất, vì chính các doanh nghiệp này sẽ quảng bá rộng rãi chính sách và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút mạnh các dự án FDI bất động sản; bởi các chính sách ưu đãi hiện nay mới chỉ cụ thể hoá về thuế, tiền thuê đất.. .chưa cụ hể hoá về đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài theo hướng vừa bảo đảm sự chủ động nhưng gắn với trách nhiệm của địa phương, vừa tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành ở trung ương./.