Việt Nam - Điểm sáng đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Apple đã chuyển một phần sản xuất AirPods sang Việt Nam; nhiều DN Mỹ đang tích cực tìm kiếm thị trường tại Việt Nam; dòng vốn của giới đầu tư chính vào KCN khởi sắc… là những tín hiệu cho thấy Việt Nam là điểm sáng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư giai đoạn tới.
Tai nghe AirPods của Apple lắp ráp tại Việt Nam. Ảnh: theverge.com |
Ngày 21/5, tạp chí công nghệ The Verge (trang tin công nghệ của Mỹ) đăng một bức ảnh chụp hộp đựng tai nghe AirPods Pro với dòng chữ “Assembled in Vietnam” (lắp ráp ở Việt Nam) phía sau lưng. Điều này cho thấy Apple đã chuyển sản xuất một phần sản phẩm này từ Trung Quốc sang Việt Nam.Trang tin điện tử Sputnik của Nga vừa có bài tổng hợp đề cập tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó có nêu: Bắt đầu xuất hiện thông tin Apple đã chuyển một phần sản xuất sản phẩm tai nghe AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dòng chữ “Lắp ráp ở Việt Nam” (Assembled in Vietnam) đã xuất hiện trên một số sản phẩm tai nghe này.
Trước đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng đưa tin việc Apple sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam: “Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu vào đầu tháng 3/2020. Các quan chức Việt Nam đã tạo thuận lợi cho nhà lắp ráp nhằm bảo đảm quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ trong thời gian cách ly xã hội”.
Từ trước tới nay, phần lớn các sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, Công ty này đã đa dạng hóa sản xuất. Nguyên nhân được giới chuyên gia cho là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều sản phẩm của Apple phải chịu mức thuế nặng. Ngoài ra, khó khăn trong đại dịch COVID-19 cũng được cho là chất xúc tác để Apple đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sản xuất.
Trong một thông tin liên quan khác, Sputnik dẫn báo cáo mới của Công ty Chứng khoán SSI (ngày 22/5) cho biết Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI, đồng thời cũng có hàng loạt công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ (Pegatron, Amazon, Home Depot) đang tìm kiếm thị trường Việt Nam làm điểm đến cho chuỗi cung ứng mới ở châu Á.
Những lợi thế ưu việt của Việt Nam chính là chi phí, tỷ giá và thể chế ổn định. Theo SSI, dòng vốn FDI của giới đầu tư chính vào khu công nghiệp (KCN) đã có những tín hiệu khởi sắc, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2020, FDI vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh 244%, Long An tăng 65%, Bình Phước tăng 60%, Quảng Ninh tăng 44%.
SSI so sánh tương quan lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam với một số quốc gia khác trong cuộc đua thu hút vốn FDI.
Điển hình như với Indonesia, Việt Nam ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp). Đồng thời Việt Nam cũng tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP mà Indonesia không tham gia. Về vĩ mô, gần đây đồng tiền Việt Nam rất ổn định so với biến động của đồng Rupiah của Indonesia.
Do vậy, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong cuộc đua thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.