Báo Israel: Việt Nam là ngôi sao sáng ở châu Á

Tờ The Jerusalem Post hôm 30/8 vừa có bài viết của tác giả Leo Giosue, đánh giá Việt Nam là ‘ngôi sao sáng’ ở châu Á và sẽ là 'một đối tác rất quan trọng' của Israel trong tương lai.

 

Ảnh chụp màn hình bài viết trên The Jerusalem Post

Bài viết mở đầu bằng việc nhắc đến ngày 2/9 hằng năm là Ngày Quốc khánh của Việt Nam vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam. Năm nay, Việt Nam cũng kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, một sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc, đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại cả nghìn năm. Tiếp nối thành công của Cách mạng tháng Tám, nhân dân Việt Nam đã ghi nhiều thắng lợi quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong cải cách kinh tế - đổi mới.

Hiện nay, Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, cởi mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập quốc tế. Ngoại giao trở thành một mặt trận quan trọng trong thời bình và có đóng góp quan trọng cho việc duy trì và bảo đảm môi trường hòa bình cũng như tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước, từ đó tăng cường vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam cũng thực thi chính sách “ba không”: Không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là một người bạn, đối tác tin cậy của mọi quốc gia và là thành viên xây dựng và tích cực trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, tích cực tham gia vào hợp tác khu vực quốc tế.

Bài báo cho biết, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Các Hiệp định FTA thế hệ mới giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các thành viên như Nhật Bản, Canada và Mexico tăng mạnh so với năm 2018. Năm 2019, Việt Nam ký EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA với Liên minh châu Âu và hoàn tất đàm phát Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ngày 8/6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn EVFTA và EVIPA. EVFTA, chính thức ký tháng 6 năm ngoái sau 6 năm đàm phán, được xem là FTA “tham vọng nhất” mà EU từng đạt được với một nước đang phát triển, theo Ủy ban châu Âu. EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch US$56,45 tỷ năm 2019, trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hóa giá trị US$41,54 tỷ và nhập khẩu US$14,9 tỷ.

Nhắc đến mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi bình thường hóa năm 1995, The Jerusalem Post nhấn mạnh hiện Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác toàn diện, với thương mại song phương tăng từ US$450 triệu năm 1994 lên US$77 tỷ năm 2019. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ. Bất chấp những tác động mạnh của đại dịch COVID-19, giá trị thương mại song phương vẫn tăng gần 10% trong nửa đầu năm nay. Tờ báo dẫn lại phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong một bức điện mừng kỷ niệm 25 năm quan hệ hai nước: “Trong một phần tư thế kỷ qua, hai nước chúng ta đã xây dựng quan hệ đối tác và bạn bè xác lập dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và các mối quan hệ nhân dân”.  

Năm 2020 rất quan trọng với ngành ngoại giao Việt Nam, đặc biệt trong triển khai chính sách ngoại giao đa phương. Việt Nam cùng lúc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, và “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình và ổn định” trong vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đang bắt tay cùng bạn bè và đối tác quốc tế thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tuân thủ pháp luật và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và LHQ.

Đề cập đến Biển Đông, The Jerusalem Post nhận xét, Việt Nam đang bắt tay cùng các thành viên ASEAN và các đối tác xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục tuyên bố chính sách nhất quán của mình rằng mọi tranh chấp quốc tế, kể cả những vấn đề trên Biển Đông, phải được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, tuân thủ Hiến chương LHQ và Công ước về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Kinh tế Việt Nam và những điểm sáng

Tác giả bài viết nhấn mạnh Việt Nam nhận được sự khen ngợi của quốc tế do đã có sự phản ứng nhanh và hiệu quả khi COVID-19 bùng phát. Mặc dù không hề ‘miễn nhiễm’ với suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất tích cực và sáng lạn nhất trong số các nước châu Á.

Tháng 7, số liệu của Tổng cục Thống kê ước tính mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 là 1,81%, con số thấp so với mức 6,76% nửa đầu năm 2019, nhưng vẫn là tốc độ tăng trưởng rất tích cực trong đại dịch. Một số nhà phân tích kinh tế ước tính tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ giảm xuống 3-4% so với 7,02% năm ngoái còn chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 5%. Mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng khi chúng ta nhìn vào bức tranh kinh tế của châu Á. Nếu Việt Nam đạt được mục tiêu sử dụng mọi nguồn lực trong nước để duy trì đã tăng trưởng kinh tế thì sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và trở thành nước đầu tiên phục hồi sau COVID-19, bài báo trên The Jerusalem Post nhận định.

Dù xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19, Việt Nam vẫn hưởng lợi khi các công ty tìm hướng đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ, không chỉ tập trung tại Trung Quốc. Theo Bloomberg, những tập đoàn toàn cầu như SamSung Electronics Co., LA Electronics Inc. và Intel Corp. đều đã thiết lập quy mô hoạt động lớn ở Việt Nam.     

Do đại dịch, đến tháng 6/2020, Việt Nam giải ngân được US$8,65 tỷ vốn FDI, chỉ bằng 95,1% cùng kỳ năm ngoái nhưng thu hút FDI tăng 3,1% so với năm ngoái. Có 1.418 dự án cấp phép mới trong nửa đầu năm, với vốn đăng ký US$8,44 tỷ, trong đó Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với US$5,44 tỷ, chiếm 34,7% tổng số, tiếp theo là Thái Lan với US$1,58 tỷ (10.1%), và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việt Nam có thặng dư thương mại US$4 tỷ trong sáu tháng đầu năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn này đạt US$238,4 tỷ, trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt US$121,21 tỷ. Đáng chú ý, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên US$1 tỷ, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Israel

Tác giả bài viết cũng cho biết năm 2020, Việt Nam và Israel đánh dấu 27 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1993). Nhìn lại lịch sử, quan hệ giữa hai nước đã được xây dựng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel là David Ben Gurion từ năm 1946 khi hai nhà lãnh đạo cùng ở chung một khách sạn tại Paris và trở thành bạn bè. Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã năm Việt Nam cuối tháng 5/2017 để tăng cường quan hệ hai nước.

Hiện hai nước đang thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực – kinh tế, thương mại, giáo dục, công nghệ nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, chia sẻ kiến thức khởi nghiệp, v.v... Năm 2019, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt gần US$ 1,156 tỷ, trong đó Việt Nam xuất khẩu US$ 774 triệu và nhập khẩu US$ 382 triệu. Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam ở Tây Á, chỉ sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Nửa đầu năm nay, thương mại giữa hai nước đạt US$791 triệu. Hai bên đã bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại tự do từ cuối năm 2015 và hiện đang ở giai đoạn cuối.

Bài báo kết thúc với nhận định: Quan hệ Israel-Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng sâu sắc. Chính sách “Xoay trục sang châu Á” của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang hình thành và Việt Nam nổi lên như một đối tác rất quan trọng./.

http://baochinhphu.vn/Hoi-nhap/Bao-Israel-Viet-Nam-la-ngoi-sao-sang-o-chau-A/405726.vgp

theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng mong mỗi kiều bào luôn là một đại sứ của tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

Chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán và cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nhân chuyến công tác tại nước này từ ngày 5-8/11.

Việt Nam – Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông

Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm đã tiếp ông Arun Venkataraman, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ về Thị trường Toàn cầu và Vụ trưởng Dịch vụ Thương mại Hoa Kỳ và Nước ngoài. Cùng dự có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông...

Khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte-Adresse, Pháp

Trưa 6/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Sainte-Adresse dự lễ khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Tòa thị chính thành phố Saint-Adresse

Báo chí quốc tế bình luận về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Báo chí quốc tế tuần qua đã có nhiều bài viết đánh giá tích cực về tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cho LHQ

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Jean-Pierre Lacroix bày tỏ rất vui mừng với những đóng góp thiết thực của Việt Nam cho LHQ, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ vì những gì đã có mà còn ở tiềm năng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và LHQ.

Tổng thống Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9, giờ New York.