Độc đáo Rằm tháng bảy của đồng bào dân tộc

Tết rằm tháng bảy được đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lào Cai tổ chức khá chu đáo. Cùng có ý nghĩa chung là thờ cúng tổ tiên, gia đình, dòng họ sum họp... nhưng đối với mỗi dân tộc, cách thức tổ chức các nghi lễ, tín ngưỡng lại có sự độc đáo riêng.
 


 
Làm bánh rợm cho mâm cỗ cúng. 
 
Tưởng nhớ tổ tiên
 
Đến các bản làng của đồng bào Giáy tỉnh Lào Cai những ngày cận rằm tháng bảy, đâu đâu cũng thấy ngát mùi hương thơm của gạo nếp nương từ những chiếc bánh rợm luộc trên bếp lửa hồng. Theo tiếng Giáy, Tết Rằm tháng bảy gọi là “tết Xíp xỉ”, được tổ chức vào chiều 14 âm lịch. Lễ vật cỗ cúng được sắm chu đáo như: Gà luộc, thịt lợn, xôi, canh...

Đặc biệt, những ngày cận Rằm, đồng bào Giáy tổ chức gói bánh bánh rợm… để thắp hương cúng tổ tiên, cầu chúc sức khỏe, an lành, thịnh vượng đến với tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ. Tiền vàng, quần áo, hàng mã là thứ không thể thiếu trong lễ cúng Rằm tháng bảy của đồng bào Giáy. Tuy nhiên, khác với người Kinh ở chỗ, quần áo cúng, vàng mã đều được đồng bào tự làm từ giấy màu mua về cắt theo trang phục truyền thống dân tộc mình. Các vật dụng, hàng mã khác như ngựa, xe máy, ô tô, đồng hồ… không được đồng bào Giáy cúng đốt trong ngày Rằm tháng bảy. Theo tục lệ, lễ cúng chúng sinh được đồng bào cúng vào thời điểm 21 - 22 giờ đêm cùng ngày. Lễ cúng đơn giản, chỉ cần cắm 7 nén hương thành hàng trước ngõ, sau đó trộn xôi, cháo, thịt lợn, nước canh, rắc dọc theo chân hương rồi làm lễ.

Còn với đồng bào Tày, thịt vịt là món không thể thiếu trong mâm cúng Rằm tháng bảy. Đồng bào Tày thường có câu cửa miệng khi nói về các món ăn thuộc về phong tục của dân tộc mình: "Bươn Chiêng kin nhợ Cáy, bươn Chất kin nhợ Pết" (nghĩa là tết tháng giêng ăn thịt gà, tết tháng bảy ăn thịt vịt). Theo truyền thuyết, vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của đồng bào Tày vì đây chính là sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt đó có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống mường trời vào ngày rằm tháng bảy hằng năm.

Vào ngày Rằm tháng bảy, đồng bào Tày tổ chức lễ "Pây tái" (sang nhà ngoại). Theo đó, con gái, con rể, các cháu ngoại thường gánh đồ lễ sang nhà ngoại, trong đó không thể thiếu đôi vịt béo, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại. Khi về tới nhà bên ngoại, các con gái, cháu gái tập trung làm thịt vịt, cả nhà vui vẻ cùng chung tay chế biến các món ăn truyền thống từ thịt vịt. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện bổn phận của những người phụ nữ Tày sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm duy nhất chỉ có ngày mùng 2 tháng giêng và ngày Rằm tháng bảy mới có dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên.

Mừng việc cấy xong

Rằm tháng bảy là tết được đồng bào La Chí ở Lào Cai tổ chức to nhất. Đồng bào quan niệm đây là dịp để "cúng mừng việc cấy xong và xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương". Vào dịp này, mâm cúng và các hoạt động văn hóa - thể thao dân tộc được tổ chức tưng bừng. Cỗ cúng trong ngày Rằm gồm: Xôi, thịt gà, thịt lợn, ngan hoặc vịt. Các hoạt động thường được tổ chức là hát giao duyên, chơi đánh bộ binh, đánh quay, đu quay, ném còn... tại nhà già làng có uy tín nhất.

Còn với đồng bào Cao Lan, Rằm tháng bảy không thể thiếu bánh gai, loại bánh yêu thích của họ. Bánh được gói bằng lá chuối đã được hong tái qua nắng nên rất dẻo và thơm. Người phụ nữ Cao Lan nào cũng biết làm bánh và dù công việc bận rộn đến đâu cũng phải thu xếp để có thời gian làm bánh gai trong ngày rằm tháng bảy. Để có được chiếc bánh gai thơm ngon, ngoài bột phải giã nhuyễn thì nhân bánh gai cũng được đặc biệt chú ý. Nhân bánh phải có độ thơm bùi của đỗ, dừa khô và có pha chút gia vị của núi rừng. Có nơi nguyên liệu là bột gạo nếp được giã nhuyễn cùng quả chuối chín đã được sấy khô trước đó nhiều ngày, sau đó đem đồ, hoặc hấp cách thủy, nên giữ được độ thơm lâu. Theo tục lệ của đồng bào Cao Lan, những chiếc bánh đầu tiên lấy ra được dâng lên thắp hương tổ tiên trước, sau đó các thành viên trong gia đình mới được thưởng thức.

Mỗi sản vật được dâng lên thờ cúng tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ của từng tộc người trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong ngày Rằm tháng bảy dù có khác nhau nhưng tất cả đều hàm chứa những giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc sắc riêng của từng dân tộc và mang tính nhân văn sâu sắc. Đây là những nét đẹp cần được gìn giữ và bảo tồn./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...