Kết quả nổi bật của kinh tế đối ngoại năm 2012
Năm 2012, kinh tế đối ngoại của Việt Nam đạt được kết quả nổi bật trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vỗn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), xuất nhập khẩu và xuất/nhập siêu, khách quốc tế đến Việt Nam…FDI tuy đăng ký mới đạt khoảng 13 tỷ USD, bị giảm mạnh so với năm trước và so với bình quân 5 năm trước (30,3 tỷ USD), nhưng đăng ký bổ sung đã tăng khá cao; đáng lưu ý lượng vốn thực hiện chỉ giảm chút ít so với năm trước, nhưng cao hơn so với lượng vốn thực hiện bình quân năm trong thời kỳ 2007- 2011 (ước 10,5 tỷ USD so với 10,31 tỷ USD).
Tăng giải ngân vốn FDI và ODA
Tính từ năm 1988 đến nay, tổng lượng vốn FDI được cấp phép đạt khoảng 243 tỷ USD, lượng vốn của các dự án còn hiệu lực đạt khoảng 212 tỷ USD, lượng vốn thực hiện đạt khoảng 99,5 tỷ USD. Đã có 22 nước và vùng lãnh thổ có lượng vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 11 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 8 đối tác đạt trên 10 tỷ USD (lớn nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc, Singapore, Quần đảo Vigin thuộc Anh, Hongkong, Malaysia, Mỹ).
Đã có 63/63 tỉnh, thành phố có dự án FDI được cấp phép, trong đó có 24 địa phương có lượng vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực, trong đó có 8 địa phương đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 5 địa phương đạt trên 10 tỷ USD (lớn nhất là TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Bà Rịa- Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương).
Trong 18 ngành kinh tế cấp I, có 14 ngành có lượng vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 ngành đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 4 ngành đạt trên 10 tỷ USD (lớn nhất là công nghiệp chế biến, tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng- đạt trên 10 tỷ USD; 2 ngành khác đạt trên 5 tỷ USD là sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hoà không khí; dịch vụ lưu trú và ăn uống).
Lượng vốn ODA cam kết năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD (cam kết cho năm 2013 đạt gần 6,5 tỷ USD); lượng vốn giải ngân ước đạt trên 3,6 tỷ USD, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Tính từ năm 1993 đến nay, tổng lượng vốn cam kết đạt trên 75 tỷ USD, với lượng vốn giải ngân đạt trên 34,5 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tổng vốn đầu tư phát triển (chiếm trên 10%) và bằng khoảng 3,5% GDP trong thời gian tương ứng, góp phần quan trọng vào việc hình thành các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội, xoá đói giảm nghèo...
Xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế
Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 114,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu/GDP đạt trên 82%, cao nhất từ trước tới nay, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 65,5% của năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại (WTO) và thuộc loại cao trên thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam.
So với năm trước, xuất khẩu tăng 18,3%. Đây là tốc độ tăng cao xét so với tốc độ tăng của GDP và của hầu hết các ngành, lĩnh vực khác. Mặt khác, hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/tốc độ tăng GDP lên đến trên 3,6 lần cho thấy xuất khẩu đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực doanh nghiệp FDI so với khu vực kinh tế trong nước cao hơn về tốc độ tăng (gấp 10 lần), cả về tỷ trọng trong tổng số (55,8% so với 44,2%).
Ước tốc độ tăng, giảm của các lĩnh vực kinh tế đối ngoại so với năm 2012 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và ước tính chuyên gia |
Có 32/40 mặt hàng được tổng hợp tăng so với năm trước, trong đó có 16 mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung, đặc biệt có một số mặt hàng tăng rất cao (như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dây điện và dây cáp điện; cà phê; sắn; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; gốm sứ; phân bón; rau quả...).
Có 22 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; 12 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD; 11 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD; 9 mặt hàng đạt trên 4 tỷ USD; 7 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD; 6 mặt hàng đạt trên 6 tỷ USD; 5 mặt hàng đạt trên 7 tỷ USD; 3 mặt hàng đạt trên 8 tỷ USD; đặc biệt 2 mặt hàng đạt trên 12 tỷ USD (dệt may trên 15 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện trên 12,6 tỷ USD).
Có 24 thị trường đạt trên 1 tỷ USD; 14 thị trường đạt trên 2 tỷ USD; 7 thị trường đạt trên 3 tỷ USD; 5 thị trường đạt trên 4 tỷ USD; 4 thị trường đạt trên 5 tỷ USD (Mỹ 19,6 tỷ USD, Nhật Bản 13,1 tỷ USD, Trung Quốc 12,2 tỷ USD, Hàn Quốc trên 5,7 tỷ USD).
Do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu lớn trong các năm trước (bình quân thời kỳ 2007- 2011 là 13,5 tỷ USD/năm) sang xuất siêu 0,3 tỷ USD trong năm nay. Trong 81 thị trường chủ yếu, Việt Nam có vị thế xuất siêu với 41 thị trường, trong đó có 11 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD (Mỹ 14,9 tỷ USD, Hongkong trên 2,5 tỷ USD, Anh trên 2,3 tỷ USD, Campuchia trên 2,1 tỷ USD,...)
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 9,4 tỷ USD, tăng 6,3%, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 70,2%; dịch vụ vận tải đạt 2,1 tỷ USD, giảm 15,5%, chiếm 22,3%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 12,5 tỷ USD, tăng 5,7%, trong đó dịch vụ vận tải 8,7 tỷ USD, tăng 6%, chiếm 69,6%, dịch vụ du lịch 1,9 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 15,2%. Dịch vụ du lịch đã xuất siêu 4,7 tỷ USD.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 6,85 triệu lượt người, đạt kỷ lục từ trước tới nay và vượt kế hoạch đã đề ra. Lượng khách đến du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất (60,9%), khách đến vì công việc có lượng đông thứ hai (chiếm 17%) và tăng với tốc độ cao nhất (16,2%). Khách về thăm thân nhân đạt quy mô khá (chiếm 16,8%) và tăng với tốc độ cao thứ hai. Có 14 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đông trên 150 nghìn lượt người, đông nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan-Trung Quốc, Campuchia...
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng về kinh tế đối ngoại cũng còn những hạn chế, bất cập. Lớn nhất là hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tính gia công còn nặng. Xuất siêu chưa vững chắc, chủ yếu do nhập khẩu tăng thấp, riêng của khu vực kinh tế trong nước còn bị giảm...