Múa dân gian dân tộc Xá Phó ở Lào Cai
Người Xá Phó ở Lào Cai có dân số khoảng trên 1.000 người, sống thành từng làng bản giữa lưng chừng núi cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai... Nguồn thu nhập chính của người Xá Phó từ canh tác ruộng nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm.Cũng như các dân tộc anh em khác, dân tộc Xá Phó có nghệ thuật múa dân gian truyền thống rất độc đáo, không bị ảnh hưởng pha tạp của các dân tộc khác. Các điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua phương pháp truyền dạy (mẹ truyền dạy cho con, bà truyền dạy cho cháu). Mỗi thế hệ tiếp nhận đều trân trọng giữ gìn nghiêm túc phong cách thể hiện độc đáo.
Múa Xá Phó là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng cao, có nhiều màu sắc riêng biệt. Các điệu múa dân gian như múa khăn, múa xe chỉ, múa hái, múa lượn… đều được múa theo hình thức tập thể từng tốp, từng nhóm từ 5 - 10 người, đội hình múa theo hình vòng cung hoặc hàng ngang. Trong các động tác múa, tay trái sử dụng quả nhạc, tay phải cầm khăn (màu xanh, đỏ hoặc trắng) múa theo nhịp 2/4.
Âm nhạc đệm cho múa là kèn Ma nhí (loại nhạc cụ riêng của người Xá Phó) và những quả nhạc (từ 5 - 8 quả nhỏ thành chùm) phát ra tiếng vang rộn ràng. Các cô gái vừa múa, vừa đánh nhạc theo nhịp chẵn (trường canh). Trước khi múa, mỗi người đều gõ 8 nhịp trường canh, nhấn mạnh vào nhịp 3 và 4 của mỗi khuôn múa. Dân tộc Xá Phó có khuôn múa cho nam riêng, nữ riêng, ít thấy điệu nam, nữ múa chung.
Trước khi biểu diễn, các cô gái thường mặc trang phục truyền thống, váy, áo bằng vải chàm tự dệt, tự may, thêu thùa, trang trí hoa văn rất công phu và đẹp mắt.
Múa Xá Phó gần như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong dịp lễ tết, hội hè, múa dân tộc Xá Phó là tiết mục hấp dẫn, sống động cùng với những trò chơi truyền thống các dân tộc như: ném còn, đánh én, đu quay…