Huyện Bảo Thắng
Đất đai Bảo Thắng chủ yếu là đất lâm nghiệp. Đất canh tác ít, tập trung ở các thung lũng ven sông, suối còn lại là đất Feralít thuận lợi cho trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Từ năm 1995, huyện đã có nông trường Quốc doanh chè Phong Hải với diện tích 300 ha và công suất 10 tấn/ngày.
Bên cạnh địa hình, đất đai thuận lợi Bảo Thắng còn là đầu mối giao thông có đường sông, đường bộ, đường sắt toả đi khắp các khu vực Bắc Nam thuận lợi; thu hút các cư dân khắp mọi miền đến sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông đúc hình thành 3 thị trấn sầm uất (Phong Hải, Phố Lu, Tằng Loỏng).
Bảo Thắng có nhiều mỏ khoáng sản và khu công nghiêp Tằng Loỏng chế biến sản xuất các chất hoá học và phân bón phục vụ sản xuất công nông nghiệp làm giàu cho Tổ quốc, góp phần thay da đổi thịt bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương. Các địa hình, tài nguyên Bảo Thắng rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế cơ cấu nông – lâm – công nghiệp – thương mại - dịch vụ trong đó đặc trưng chủ yếu là trồng chè, mía, nhãn, vải, buôn bán hàng hoá và dịch vụ.
Là vùng đất cổ, Bảo Thắng có nhiều di sản văn hoá lâu đời là các di tích Khảo cổ học từ thời đại đồ đá cũ với nền văn hoá Sơn vi cách đây trên 1 vạn năm đến văn hoá Hoà Bình, Phùng Nguyên và nền văn minh Đông Sơn rực rỡ mà tiêu biểu là di chỉ khảo cổ học Ngòi Nhũ ở Sơn Hà. Ở đây có thể tìm thấy các loại rìu đá mài nhẵn, rìu có vai, rìu đồng, mũi lao đồng…và cùng với nhiều nơi khác như Phố Lu, Xuân Giao đã minh chứng địa bàn cư trú lâu đời của con người Bảo Thắng.
Nối tiếp với văn hoá khảo cổ đó là các di tích lịch sử văn hoá và danh thắng: Bến Đền (Gia Phú) – nơi nghĩa quân Gia Phú phục kích nổ súng bắn chết nhiều tên Pháp ngày 25/3/1886 khi chúng tiến quân đánh chiếm Bảo Thắng để thể hiện tinh thần yêu nước và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta; căn cứ cách mạng Gia Phú – Xuân Giao – Cam Đường góp phần xây dựng lực lượng, phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh vũ trang; đồn Phố Lu – nơi diễn ra cuộc tấn công chiến đấu quyết liệt suốt 5 ngày 6 đêm của bộ đội chủ lực (trung đoàn 102) và quân dân địa phương từ ngày 8/2/1950 – 13/2/1950 mở đầu chiến dịch Lê Hồng Phong màn I; đó là động Tiên đẹp nổi tiếng ở xã Xuân Quang với nhiều cảnh quan tuyệt diệu.
Hiện nay, Bảo Thắng có 13 thành phần dân tộc cùng cư trú xen kẽ với nhau trong đó đông nhất là dân tộc Kinh, Dao, Tày. Cũng như nhiều huyện thị khác, các dân tộc Bảo Thắng còn giữ được nhiều lễ hội dân gian đặc sắc như lễ Lập tịch người Dao Họ ở Khe Mụ; lễ Trừ tà đón xuân người Xá Phó làng An Thành (Gia Phú); hội Xuống đồng của đồng bào Tày với sinh hoạt hát then, hát giao duyên trong những đêm xuân.
Kết hợp nhiều tiềm năng kinh tế - xã hội tổng hợp của địa phương, Bảo Thắng đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang sản xuất hàng hoá các loại cây trồng, vât nuôi một cách phù hợp như: mở rộng diện tích trồng mía, cây ăn quả, cây chè, góp phần nâng cao tổng sản phẩm giá trị kinh tế địa phương, xây dựng huyện Bảo Thắng ngày một vững mạnh toàn diện.