Lào Cai được xác định là một trong 5 cực tăng trưởng vùng
Nghị quyết 96 của Chính phủ ngày 1/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã xác định Lào Cai là một trong 5 cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc.Trục đường Trần Hưng Đạo của thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Theo đó, 5 cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La và Lạng Sơn.
Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng. Hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững. Phát triển hệ thống đô thị trong vùng kết nối nội vùng và với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới. Phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng. Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô. Hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai.
Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc. Rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để đáp ứng tốt hơn các điều kiện đặc thù trong phát triển vùng.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số, trung tâm sản xuất điện, điện tử, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế. Thí điểm xây dựng một số khu kinh tế qua biên giới.
Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường bộ nối các địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến đường quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng.
Về hàng không, đầu tư cảng hàng không Sa Pa theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư nâng cấp cảng hàng không Điện Biên.
Về đường sắt, cải tạo, nâng cấp các ga hàng hoá để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; đầu tư kết nối tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Khu đô thị mới Lào Cai.
Về đường thủy, đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng để kết nối thuận lợi về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các cảng cạn tại Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thuỷ điện trong vùng.
Giai đoạn 2026 – 2030: Về đường bộ, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hoà Bình - Mộc Châu - Sơn La, Đoan Hùng - Chợ Bến vành đai 5 qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình...).
Chương trình hành động nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, trung du và miền núi phía Bắc sẽ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện./.