Thông điệp về một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị tại AMM 56

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM 56), Việt Nam đã cùng các nước thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng, duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm và củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Sự tham gia của đoàn Việt Nam thể hiện tinh thần nhất quán và xuyên suốt là hòa hiếu, hòa hợp và hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác.
Thông điệp về một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị tại AMM 56 - Ảnh 1.

Một phiên họp tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 - Ảnh: TTXVN

Đây là khẳng định của Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN khi trả lời phỏng vấn về Hội nghị ASEAN lần thứ 56 và các Hội nghị liên quan

 Xin Đại sứ cho biết những kết quả cụ thể của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các Hội nghị liên quan?

Diễn ra từ 11-14/7, Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao  ASEAN lần thứ 56 là dịp hoạt động quan trọng nhất trong năm của khu vực với những hoạt động dày đặc cả trong lẫn ngoài Hội nghị. Đây vừa là dịp để ASEAN điểm lại các hoạt động hợp tác trước đó và cũng là thời điểm để các Ngoại trưởng đề ra phương hướng cho tiến trình hợp tác tiếp theo cả trong ASEAN lẫn với các đối tác. Có thể nói, các Hội nghị Ngoại trưởng thường niên là "ngày hội của toàn khu vực."

Hội nghị lần này đã thành công khi ASEAN truyền tới cộng đồng khu vực và quốc tế thông điệp lớn: "ASEAN tầm vóc- tâm điểm trong phát triển".

Thông điệp này được thể hiện rõ qua 3 khía cạnh chính.

Thứ nhất, phát triển phồn vinh là trọng tâm các trao đổi. Thống nhất với nhận định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng trong quan hệ giữa các quốc gia, các nước đều cam kết sẽ tăng cường thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư cũng như đổi mới phương thức hướng tới hợp tác trong các nội dung như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, không thể có phát triển phồn vinh nếu thiếu môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi. Với nhận thức này, các nước đều khẳng định môi trường hòa bình, ổn định là "cái nôi" của phồn vinh. Trong suốt quá trình Hội nghị, ASEAN thường xuyên nhấn mạnh văn hóa đối thoại, thói quen tham vấn và nhất là tinh thần hợp tác.

Bên cạnh đó, bằng đối thoại thẳng thắn, trao đổi chân thành, hợp tác, ASEAN đã phần nào thuyết phục được các đối tác công nhận vai trò trung tâm của mình trong các tiến trình khu vực. Từ đó nhiều cam kết, sáng kiến đã được đề xuất nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, đóng góp cho các nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN.

Ba là, mục tiêu cao cả, quyết tâm mạnh mẽ không thể đạt được thành tựu nếu không nhắc tới đổi mới về cơ chế làm việc. Các nội dung về nâng cao hiệu quả, cải tiến lề lối làm việc, phương thức nhằm đẩy nhanh các tiến trình hợp tác được các nước thảo luận rất sôi nổi. Hi vọng rằng, thông qua những phương thức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, ASEAN sẽ tự tin hơn khi bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn sau 2025.

Xin ông cho biết trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, các nước có các cam kết, sáng kiến đáng chú ý nào trong hợp tác với ASEAN?

Như đã đề cập, chủ đề của ASEAN "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng" được các đối tác hưởng ứng, đề cao. Phương cách của ASEAN đã phát huy tác dụng sau các Hội nghị lần này. Tuy không thể tránh khỏi những va chạm trong lập trường, quan điểm cũng như cách tiếp cận các vấn đề thế giới và khu vực, nhưng đối tác đều khẳng định tôn trọng và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Không chỉ dừng lại ở các phát biểu đơn thuần, các đối tác đã đề xuất nhiều sáng kiến vừa nhằm tăng cường hợp tác với khu vực vừa hướng tới hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng. Trong các trao đổi với đối tác, nổi lên một số kết quả cụ thể.

Một là, ngày càng nhiều nước thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ với ASEAN, trong số đó có những đối tác chiến lược lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Ngoài ra, các đối tác cũng đánh giá cao quá trình hợp tác với ASEAN trong đó có việc Trung Quốc chủ động đề xuất ra Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm nước này tham gia Hiệp ước TAC, hay Nga và ASEAN cũng thông qua Tuyên bố kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nga.

Thứ hai, những nội dung hợp tác phản ánh nhu cầu của thời đại như kinh tế số, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, hợp tác tiểu vùng, thích ứng biến đổi khí hậu... được đề cập và trao đổi sôi nổi tại các Hội nghị khác nhau cả giữa ASEAN với từng đối tác lẫn trong các diễn đàn với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…

Thứ ba, các kế hoạch hợp tác của ASEAN với các đối tác đều có sự hậu thuẫn nhất định về vật chất.

Hàn Quốc tăng đóng góp cho Quỹ Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc từ 16 triệu lên 48 triệu USD đến 2027, dành hơn 200 triệu USD cho các dự án hợp tác khác; Nhật Bản cho ASEAN vay 3,34 tỷ USD nhằm hỗ trợ phục hồi, đóng góp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản; Australia hỗ trợ ASEAN 240 triệu dollar Australia trong 10 năm cho chương trình, dự án hợp tác phát triển….

Liên quan đến các vấn đề an ninh, trong đó có Biển Đông, Myanmar và nhiều vấn đề khác, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt là Diễn đàn Khu vực ASEAN đã đề cập các chủ đề nóng này như thế nào, thưa ông?

Đặc điểm chính của quan hệ quốc tế là sự biến động. Những phức tạp này phản ánh rõ nét trong các trao đổi ở Đông Nam Á, ngã tư đường, nơi các lợi ích đa dạng hội tụ và giao thoa. Bởi vậy, trao đổi về những nội dung thời sự khu vực quốc tế cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Là lực lượng chủ đạo trong các nỗ lực hòa bình, hợp tác ở khu vực, các cơ chế do ASEAN thành lập là nơi để các nước chia sẻ và đối thoại thẳng thắn về các vấn đề cùng quan tâm như Biển Đông, Myanmar hay bán đảo Triều Tiên.

Một trong những điều làm nên sức hút của ASEAN là năng lực điều hòa các khác biệt, cân bằng và hài hòa quan tâm của các nước. Do đó, mỗi cơ chế của ASEAN tuy mang sắc thái riêng, song đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin, thu hẹp khác biệt và gia tăng điểm đồng. Đối thoại, tham vấn đã trở thành thói quen, tập quán và văn hóa trong đời sống ở khu vực.

Với tinh thần xây dựng như vậy, trao đổi của các nước về các vấn đề quốc tế, khu vực đều thể hiện quyết tâm nhìn về tương lai, nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung, giải pháp phù hợp, góp phần vào hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.

Có thể lấy Biển Đông làm ví dụ. Đây là chủ đề thường trực trong nghị sự của ASEAN, cũng được các đối tác hết sức quan tâm bởi những diễn biến xung quanh vấn đề này kéo theo nhiều quan điểm khác nhau.

Trong suốt 3 thập kỷ, ASEAN đã không ngừng đối thoại cả trong nội bộ lẫn với các đối tác về nhiệm vụ chung đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thông qua các trao đổi, thậm chí là cọ xát, các bên thống nhất được lập chung về tầm quan trọng của kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của LHQ 1982, tránh các hành động có thể làm xói mòn lòng tin.

Lập trường chung này đã nhận được sự ủng hộ của các đối tác, dẫn đến những tiến triển trong thực hiện Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC. Đây là các tín hiệu tích cực, tạo đà cho các nỗ lực trong thời gian tới.

 Xin Đại sứ cho biết các đóng góp của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị?

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu dự các Hội nghị với tâm thế sẵn sàng chủ động, tích cực và có trách nhiệm mang theo nhiều trọng trách và thông điệp quan trọng. Với tâm thế này, đoàn Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, Việt Nam đã cùng các nước thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng, duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm và củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Sự tham gia của đoàn Việt Nam thể hiện tinh thần nhất quán và xuyên suốt là hòa hiếu, hòa hợp và hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác.

Thứ hai, các đóng góp và đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị được đánh giá là hài hòa, cân bằng, vừa góp phần dung hòa khác biệt giữa các nước, vừa thúc đẩy hợp tác nội khối và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Qua đó, chúng ta đã đưa đến Hội nghị hình ảnh một Việt Nam chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn trong tham gia hợp tác ASEAN.

Thứ ba, các phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đều thể hiện mong muốn của Việt Nam về một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát triển, vững mạnh, và là lực lượng hạt nhân trong duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

ASEAN hoan nghênh các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng cả lời nói và hành động, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đóng góp trách nhiệm cho hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực.

https://baochinhphu.vn/thong-diep-ve-mot-viet-nam-hoa-hieu-hop-tac-va-huu-nghi-tai-amm-56-102230716081352646.htm

theo Báo Chính phủ

Tin Liên Quan

Thủ tướng mong mỗi kiều bào luôn là một đại sứ của tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

Chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán và cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nhân chuyến công tác tại nước này từ ngày 5-8/11.

Việt Nam – Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông

Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm đã tiếp ông Arun Venkataraman, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ về Thị trường Toàn cầu và Vụ trưởng Dịch vụ Thương mại Hoa Kỳ và Nước ngoài. Cùng dự có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông...

Khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte-Adresse, Pháp

Trưa 6/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Sainte-Adresse dự lễ khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Tòa thị chính thành phố Saint-Adresse

Báo chí quốc tế bình luận về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Báo chí quốc tế tuần qua đã có nhiều bài viết đánh giá tích cực về tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cho LHQ

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Jean-Pierre Lacroix bày tỏ rất vui mừng với những đóng góp thiết thực của Việt Nam cho LHQ, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ vì những gì đã có mà còn ở tiềm năng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và LHQ.

Tổng thống Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9, giờ New York.