Múa lân - sư - rồng trong dịp tết Trung thu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Theo quan niệm dân gian, hình ảnh lân - sư - rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng. Với người lớn, lân múa tưng bừng mang an vui, phúc lộc vào nhà, còn với trẻ nhỏ, đó là niềm vui, háo hức, hân hoan, phấn khởi khi được xem múa lân, nhất là vào dịp tết Trung thu. Nhưng ít ai biết, đằng sau hình ảnh lân, rồng sắc màu rực rỡ kia là đam mê, nhiệt huyết của những người đã “trót” gắn bó với nghề lắm công phu này.
Anh Nguyễn Văn Du, võ sư của Võ đường Lâm Anh (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai), sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật và “bén duyên” với múa lân hơn 20 năm chia sẻ về mong muốn khi thành lập đoàn lân - sư - rồng: Việc luyện tập múa lân, trước hết giúp các bạn trẻ rèn luyện sức khỏe, tạo kết nối giữa các thành viên và quan trọng hơn là mang niềm vui đến cho mọi người.
Anh Du cũng cho biết, múa lân - sư - rồng là môn nghệ thuật không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, mà còn cần khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc, quan trọng hơn cả là sự đoàn kết, hiểu ý của các thành viên trong đoàn. Một bài múa lân - sư - rồng sẽ khô cứng, nhàm chán nếu người biểu diễn không biết “thả hồn” vào những chú lân, sư tử, rồng khoác trên người hoặc nếu thiếu sự ăn ý của người điều khiển đầu lân và người đứng sau thì sẽ không thể có được những bước đi, bước nhảy vừa uyển chuyển, vừa duyên dáng, oai hùng với nhịp trống, nhịp chiêng.
Cứ sau bữa cơm tối, tại Võ đường Lâm Anh lại rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống luyện tập của 40 thành viên thuộc đoàn lân - sư - rồng, chuẩn bị phục vụ trong dịp tết Trung thu. Các thành viên của đoàn hầu hết là học sinh các trường trung học trên địa bàn thành phố và có chung niềm đam mê, yêu thích nghệ thuật múa lân.
Vất vả, đau nhức là cảm nhận của những thành viên trong đoàn lân - sư - rồng của Võ đường Lâm Anh khi nhớ về những ngày đầu tập luyện. Những bài múa lân, múa rồng rất công phu, cần nhiều thời gian luyện tập, sự đầu tư về công sức và cả kỹ thuật, chưa kể đến những chấn thương khi bất cẩn. Anh Lồ Khánh Dương, thành viên của đoàn bộc bạch: Trong lúc luyện tập không thể tránh khỏi những lần bị vấp ngã. Mỗi lần tập xong, ai nấy đều mồ hôi tuôn ra như tắm. Vất vả là vậy nhưng tôi và mọi người trong đoàn đều gắn bó với múa lân, năm nào cũng luyện tập thật sớm để có được tiết mục ưng ý”.
Khi kể về hành trình 7 năm biểu diễn múa lân, anh Nguyễn Công Thuần, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Phúc Nghĩa Đường nhớ mãi kỷ niệm với những buổi biểu diễn “0 đồng”: Tôi từng biểu diễn múa lân trong nhiều dịp lễ hội, khai trương, động thổ… nhưng để lại nhiều cảm xúc khó quên nhất vẫn là phục vụ trẻ em vùng cao trong dịp tết Trung thu. Nhìn thấy các em ở các huyện như Mường Khương, Si Ma Cai, thậm chí các em còn chưa biết múa lân là gì, nhưng vẫn hồn nhiên, vui đùa cùng những chú lân, ông địa… khiến tôi và các thành viên rất xúc động.
Đoàn lân - sư - rồng Phúc Nghĩa Đường không chỉ tích cực luyện tập mà còn đầu tư kỹ đạo cụ cũng như trang phục cho từng nhân vật. Không ít lần kết hợp cùng đoàn từ thiện đến biểu diễn tại các điểm trường vùng cao, có những nơi xe ô tô không thể đến được, các thành viên trong đoàn phải cùng nhau vác trống, khiêng đầu lân đi bộ đến nơi biểu diễn. Tuy nhiên, những nụ cười tươi của các em nhỏ khi được xem đoàn lân biểu diễn như xóa tan những mệt mỏi. Các thành viên biểu diễn hết mình đến đêm muộn, phục vụ miễn phí, mang niềm vui đến cho các em.
Trung thu chưa đến nhưng các đoàn lân luyện tập đã “khuấy động” nhịp sống phố phường. Những chú lân, sư tử, rồng rực rỡ sắc màu tung mình theo từng nhịp trống khiến trẻ em và cả người lớn háo hức. Ngoài những đội múa lân chuyên nghiệp, những năm gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện những nhóm múa tự phát của những người có chung đam mê với môn nghệ thuật múa lân - sư - rồng, góp phần làm rộn rã không khí đón tết Trung thu.
https://baolaocai.vn/dua-tet-trung-thu-ve-vung-cao-post372899.html