Xây dựng Chính phủ điện tử và góc nhìn của những công dân trẻ
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tối ưu nguồn lực trẻ đã qua đào tạo, có độ sẵn sàng công nghệ cao tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử là bước đi hiệu quả để tìm lời giải cho bài toán Chính phủ số.Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2022.
Nhóm Nghiên cứu sinh thuộc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có Báo cáo sáng kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phát huy lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam.
Huy động công dân trẻ tham gia cải cách thủ tục hành chính
Tiến trình cải cách thủ tục hành chính đến nay đã đạt một số thành tựu quan trọng nhưng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân vì chủ yếu mới chỉ triển khai thực hiện trong các cơ quan nhà nước, chưa huy động được người dân và doanh nghiệp tham gia.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Điều hành Ban IV cho biết đó là lý do để Ban IV quyết định thúc đẩy sáng kiến nhằm huy động, phát huy vai trò của các công dân trẻ vào công cuộc cải cách hành chính. Nhiệm vụ được giao cho Nhóm nghiên cứu sinh của Ban IV thực hiện.
Thông qua việc nghiên cứu, trải nghiệm trực tiếp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tìm hiểu về nỗ lực triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử, Nhóm nghiên cứu nhận thấy ưu tiên và sự quan tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang dành cho quá trình này.
“Với sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ có nhiều bước tiến quan trọng. Đặc biệt, nhiều dịch vụ công đã được đưa lên môi trường điện tử để đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính thủ tục hành chính”, Báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy nhiều chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp; một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa được tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm nên chất lượng thực hiện chưa cao.
Ba nội dung chính của Sáng kiến
Từ thực tiễn Việt Nam và trên cơ sở nghiên cứu sâu hơn các kinh nghiệm quốc tế, Nhóm nghiên cứu sinh đã gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo sáng kiến Phát huy lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên trong phát triển, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam.
Báo cáo gồm ba hạng mục nội dung: Tăng cường tỷ lệ công dân trẻ tham gia sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát huy sáng kiến kỹ thuật từ nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trẻ cho tiến trình Chính phủ điện tử; nâng cao trách nhiệm của công dân trẻ đối với những mối quan tâm chung của đất nước.
Cụ thể, Sáng kiến Tuần lễ mở với dịch vụ công trực tuyến quốc gia (E- Services Open Week) hướng đến mục tiêu gia tăng độ nhận diện của Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia với đối tượng trẻ thông qua việc tích hợp các yêu cầu đăng ký/đăng nhập, các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia với một số hoạt động, nhu cầu trực tuyến của học sinh - sinh viên.
Hạng mục này có thể triển khai thông qua việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, hoặc Trung ương Đoàn và các Đoàn trường Đại học phát động các Tuần lễ mở (Openweeks) dành cho từng đối tượng.
Đối với học sinh cấp phổ thông trung học có thể tham gia E-Services Openweek để đăng ký nguyện vọng thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thay vì đăng ký trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng của các trường như hiện nay.
E-Services Openweek cũng được đề xuất áp dụng cho đối tượng là sinh viên tham gia Tuần sinh hoạt công dân năm thứ nhất đại học, hoặc phục vụ mục đích đóng học phí trong các năm học, xin cấp các chứng chỉ phục vụ tốt nghiệp đại học.
Sáng kiến Thanh niên thi đua cải cách dịch vụ công, phát triển giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử (Hack4Gov), trọng tâm là tìm kiếm các giải pháp công nghệ, kĩ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công nghệ cho Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương liên quan, tương tự như các cuộc thi Hackathon đã được phát động, triển khai ở các lĩnh vực khác nhau.
Thông qua cuộc thi, các thí sinh sẽ tranh tài để đưa ra các sản phẩm với mục tiêu hoàn thiện và nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng như cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương có đăng ký trong chương trình.
Nhóm đối tượng được khuyến khích tham gia là nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn về công nghệ - thông tin tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên cả nước. Các giải pháp thí sinh đưa ra được kỳ vọng góp phần cải thiện trải nghiệm người dùng, tăng khả năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu của công dân trên các hệ thống cổng, đồng thời tối ưu hoá các tính năng và giao diện của Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tương lai.
Nhóm Nghiên cứu sinh cũng đề xuất Sáng kiến Hội nghị Công dân trẻ với Chính phủ điện tử (Vietnam Youth Conference on Public Service Reform) với mong muốn đem tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng và năng lực của công dân trẻ vào việc định hướng phát triển Chính phủ điện tử và các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Hội nghị có thể tiến hành thường niên, bao gồm các phiên trao đổi theo chủ đề liên quan công nghệ, kỹ thuật, giao diện, trải nghiệm người dùng, bảo mật,…từ quan điểm, góc nhìn của các công dân trẻ.
Hội nghị cũng là nơi để đại diện công dân trẻ đưa ra các đề xuất với Chính phủ, cơ quan thẩm quyền các giải pháp, sáng kiến nhằm hoàn thiện, phát triển các hạng mục Chính phủ điện tử hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc đóng góp, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong công cuộc số hóa dịch vụ công thông qua trải nghiệm đã có trước đó từ các tuần lễ mở hoặc các cuộc thi Hack4Gov.
https://nhandan.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-va-goc-nhin-cua-nhung-cong-dan-tre-post778772.html