Sa Pa có thêm 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Cụ thể, ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định 3433/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen thị xã Sa Pa đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khác với trang phục của các nhóm ngành Mông khác, trang phục của người Mông đen Sa Pa không đẹp bởi sự rực rỡ sắc màu, mà từ sự tinh tế trong cách tạo hoa văn và sự khỏe khoắn trong thiết kế.
Trang phục của người Mông đen Sa Pa được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên gần gũi với cuộc sống hàng ngày như: Vải được làm từ sợi lanh, được nhuộm màu tràm tự nhiên, trang trí họa tiết, hoa văn bằng bằng sáp ong, thêu thổ cẩm… Trang phục còn là sản phẩm văn hóa tạo nên nét đặc trưng của người Mông đen. Đây là thành quả quá trình lao động cần mẫn của người phụ nữ, trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của một dân tộc.
Ngày nay, người Mông đen Sa Pa vẫn giữ thói quen làm và sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc. Đây chính là nét duyên của đồng bào Mông đen Sa Pa, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương, được rất nhiều du khách yêu thích và sử dụng.
Việc công nhận Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen thị xã Sa Pa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để cộng đồng dân tộc Mông nơi đây thêm trân trọng, gìn giữ truyền thống lâu đời của dân tộc. Đồng thời, tích cực phát huy các giá trị nét văn hóa thành sản phẩm độc đáo phục vụ ngành công nghiệp không khói của địa phương.
Như vậy, tính đến thời điểm này, thị xã Sa Pa đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.