Sa Pa bảo tồn di sản văn hóa

Sa Pa có 6 dân tộc anh em sống quần cư bên đỉnh núi Hoàng Liên, mỗi dân tộc có kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo. Đến nay, Sa Pa đã có 14 đặc trưng văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thị xã Sa Pa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Ngành giáo dục và đào tạo là một trong những ngành có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn di sản văn hóa ở thị xã Sa Pa. Với hệ thống trường học đóng chân đến tận thôn, bản - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những sắc màu đậm đà của các dân tộc Mông đen, Dao đỏ, Giáy, Tày… nên hoạt động của các nhà trường cũng gắn liền với đặc trưng dân tộc vùng miền. Tiêu biểu như trong nội dung xây dựng trường học gắn với thực tiễn được triển khai hơn chục năm nay, mỗi trường chọn một chủ đề gắn liền với nhu cầu thực tế địa phương, như bảo tồn văn hóa dân tộc, trường học gắn với du lịch, trường học nông trại xanh…

z4963426498565_5449f3b8f305cfa404b8ed2dd55b5180.jpg
 
Không chỉ giáo dục tri thức, các trường còn giáo dục học sinh về truyền thống, văn hóa, bởi giữ được phong tục chính là giữ được hồn cốt của mỗi dân tộc cho muôn đời sau. Đặc biệt, đối với những địa phương có những nét văn hóa được công nhận là di sản, các trường trên địa bàn phối hợp với các nghệ nhân tổ chức các hoạt động truyền dạy, khơi gợi sự tự hào dân tộc, từ đó học sinh thêm trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào là một trong những trường điển hình của ngành giáo dục thị xã Sa Pa trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Những buổi hoạt động giữa giờ, hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc” của trường luôn thu hút đông học sinh tham gia. Cùng với việc học múa, hát, học sinh còn được tìm hiểu và học cách se lanh, dệt vải, thêu thổ cẩm của người Mông dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo am hiểu văn hóa dân tộc và các nghệ nhân tại địa phương.

 
z4962771335129_b81ab880a8ea0c17e29d73209233e1ff.jpg

Thầy giáo Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào cho biết: Cùng với các hoạt động ngoại khóa tích hợp bảo tồn văn hóa, nhà trường còn thành lập các câu lạc bộ bản sắc như Câu lạc bộ thêu, Câu lạc bộ múa khèn, thổi sáo Mông… Chúng tôi mong mỗi câu lạc bộ sẽ là nơi bồi đắp văn hóa dân tộc cho học sinh, để học sinh hiểu và yêu văn hóa dân tộc mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Việc xây dựng mô hình trường học gắn với bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang được các trường trên địa bàn thị xã Sa Pa thực hiện với nội dung phong phú nhằm cụ thể hóa chủ trương của thị xã trong việc bảo tồn, làm phong phú thêm các nét đẹp văn hóa dân tộc lưu truyền cho muôn đời sau. Nhiều trường còn thực hiện mô hình trường học du lịch bằng cách lấy các sản phẩm văn hóa do chính học sinh thực hiện để giới thiệu đến du khách, tạo ra sản phẩm hàng hóa độc đáo.

z4962771309353_5557c54b8870ecaffec5896cfd8b8d24.jpg
 

Ngoài giải pháp bảo tồn di sản văn hóa trong trường học, việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa cũng được thị xã Sa Pa quan tâm hỗ trợ. Minh chứng như việc bảo tồn nghệ thuật trang trí trang phục của người Xá Phó ở Lào Cai (loại hình này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia về tri thức dân gian năm 2014).

Tại xã Liên Minh, nhiều năm nay, sản phẩm thêu tay, trang trí họa tiết trên váy áo và trên các vật dụng từ vải của người Xá Phó không chỉ để phục vụ nhu cầu của bà con, mà còn trở thành hàng hóa được khách du lịch yêu thích và tìm mua. Để hỗ trợ sản phẩm, Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa kết nối với Hội Phụ nữ tỉnh và các nhà tài trợ tập huấn, xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm thêu cho phụ nữ người Xá Phó. Hiện sản phẩm thêu tay của phụ nữ nơi đây còn được bán ở thị trường Hà Nội và xuất khẩu, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

z4962771318364_6918c8cc93ad93aca405f910ace4a0c3.jpg

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Với phương châm “biến di sản thành tài sản”, các ngành chức năng và các địa phương của thị xã đang tích cực bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản, vừa phục vụ tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch, tạo ra sản phẩm mang lại sinh kế cho bà con.

Thị xã Sa Pa đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận. Gần đây nhất, vào ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 3433 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa đã được đưa vào danh mục này. Thị xã Sa Pa đã và đang có chính sách hỗ trợ, tạo động lực để mỗi người dân gìn giữ, phát huy và khai thác, tạo sinh kế cho gia đình.

z4962771326124_0f182f8c8bd1e0597a565de59a874650.jpg
Theo Tô Dung/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...