Gia tăng giá trị ngành trồng trọt
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1748/QÐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.Ảnh minh họa: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn tại Hà Tĩnh.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2-2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8-10%/năm; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt hơn 26 tỷ USD. Ðến năm 2050, trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Thực tế nhiều năm qua, ngành trồng trọt luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp cả trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Năm 2023, nhiều ngành hàng trồng trọt có kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, như: lúa gạo, cà-phê, rau quả, hạt điều…, trong đó, xuất khẩu gạo và rau quả đạt lần lượt là 4,78 tỷ USD và 5,69 tỷ USD - đều là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu thì sản lượng lúa năm 2023 của Việt Nam vẫn đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 8 triệu tấn, giữ vững vai trò ổn định an ninh lương thực quốc gia và góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Ðối với cây ăn quả, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này đã nâng cao thu nhập cho nông dân trên mọi miền đất nước nhờ vào việc canh tác nhiều loại quả cho sản lượng cao, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ rộng mở, như: sầu riêng, chanh leo, vải thiều, xoài, nhãn… Riêng sản phẩm sầu riêng, năm 2023, đã mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD nhờ vào quy trình sản xuất đáp ứng đúng và đủ yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường trọng điểm Trung Quốc. Hay như sản phẩm cà-phê, năm 2023 đã đạt kim ngạch 4,18 tỷ USD với mức giá xuất khẩu bình quân lên tới 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới với xu hướng sản xuất xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp theo các tiêu chí chung của nông nghiệp toàn cầu, đồng thời phù hợp chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì ngành trồng trọt còn nhiều việc cần làm để phát huy hết tiềm năng, giá trị.
Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những giải pháp cụ thể, mới mẻ, được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho ngành hàng này có những bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới. Trong đó, các nội dung cần tập trung triển khai thực hiện là, tăng cường quản lý chất lượng từ khâu giống, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, vừa bảo đảm sản phẩm trồng trọt đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, vừa tạo sự minh bạch thông tin, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ðối với các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, rau quả, cà-phê, điều, cao-su… thì cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh, quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường để tăng chất lượng sản xuất và hướng tới những cột mốc xuất khẩu cao hơn nữa.
https://nhandan.vn/gia-tang-gia-tri-nganh-trong-trot-post791388.html