Lào Cai phát triển sản phẩm du lịch xanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần vào việc nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập cho địa phương; quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Lễ hội Đền Thượng được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái và dự lễ.
Lào Cai có 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,8% dân số. Các dân tộc thiểu số đã tạo nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa, thể hiện cả ở văn hoá vật thể và phi vật thể, trong đó nhiều giá trị di sản văn hóa dân tộc còn được lưu giữ, đặc biệt là nhóm dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, Xá Phó,... Hiện, tỉnh có 54 di tích được xếp hạng trong đó có 22 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Lào Cai có khoảng 60 lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc được tổ chức thường niên, hấp dẫn khách du lịch. Ngoài ra còn có các di sản văn hóa phi vật thể; làng nghề thủ công truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức dân gian; lễ hội truyền thống; ẩm thực dân tộc; chợ phiên vùng cao... Đây là yếu tố quan trọng để khai thác tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Lào Cai có nhiều lợi thế phát triển du lịch tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Lợi thế về địa hình, địa mạo, cảnh quan tạo nên những cảnh quan núi rừng hùng vĩ và hấp dẫn, những vách đá, đỉnh núi hiểm trở, hang động, thác nước và trên nền địa hình như vậy là thảm động thực vật đặc hữu, có giá trị cao để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch mạo hiểm. Điều kiện khí hậu tạo cho Lào Cai không chỉ trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng núi lý tưởng mà thuận lợi cho việc phát triển một số loại cây ăn quả ôn đới và dược liệu đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
Du lịch nông nghiệp trải nghiệm được phát triển mạnh mẽ tại Sa Pa, Bắc Hà.
Các bản làng giàu bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc như bản Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa, ... (Sa Pa); Na Lo, Bản Phố, Trung Đô… (Bắc Hà); Bản Mế, Cán Cấu… (Si Ma Cai); Mường Hum, Y Tý… (Bát Xát). Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Lào Cai khá phong phú và đa dạng như: Nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn đúc, chạm khắc Bạc (người Mông), nghề đan (người Hà Nhì, Phù Lá...).
Trong thời gian qua, tiềm năng lợi thế vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch thông qua các loại hình, sản phẩm du lịch.
Lào Cai luôn được coi là tỉnh đi tiên phong trong việc mạnh dạn phát triển loại hình du lịch homestay và tiến tới là du lịch cộng đồng, mang đến cho du khách những lựa chọn linh hoạt và hấp dẫn hơn trong việc khám phá và tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Từ những năm 90, Lào Cai đã bước đầu hiện thực hóa mô hình sản phẩm du lịch homestay tại khu du lịch Sapa, địa điểm đầu tiên tại hai xã Bản Hồ và San Sả Hồ. Đến nay, toàn tỉnh có 457 cơ sở homestay trong đó tập chung chủ yếu tại Sa Pa (355 hộ) huyện Bắc Hà (53 hộ), huyện Bát Xát (30 hộ), huyện Bảo Yên (18 hộ), thành phố Lào Cai (1 hộ). Hiện nay tỉnh Lào Cai đã có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia (homestay) của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van ( Sa Pa) và dân tộc Tày tại Tà Chải ( Bắc Hà); Cụm Homestay xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.
Lào Cai là địa phương sở hữu nhiều đỉnh núi cao. Trong thời gian qua sản phẩm du lịch "Chinh phục đỉnh cao" như: đỉnh Fansipan (Sa Pa) và đỉnh Ky Quan San, Nhìu Cồ San (Bát Xát) được nhiều du khách ưu thích. Các tuyến đi bộ (treckking) và tuyến dã ngoại thăm quan bản làng khu vực Cát Cát, Bản Hồ, Tả Van... (Sa Pa) Bản Xèo, Nậm Pung, Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Mường Hum (Bát Xát); Bản Liền, Bản Phố (Bắc Hà)...phát triển. Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái gắn với thăm quan các vườn mận, vườn lê, quýt, vườn hoa, vườn dược liệu... đã được nhiều hộ dân quan tâm xây dựng bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách. Sản phẩm sinh thái, du lịch bản làng, tham quan thác nước được du khách đón nhận.
Chợ phiên Si Ma Cai.
Sản phẩm du lịch thăm chợ phiên truyền thống vùng cao là một điểm nhấn trong mọi chương trình du lịch dành cho du khách quốc tế. Đầu tiên phải kể đến là sức hấp dẫn tự thân của sản phẩm này, nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc thể hiện trong mỗi phiên chợ chính là điều kiện để thu hút du khách. Với đặc điểm là các phiên chợ đan xen, luân phiên nhau liên tục trong cả tuần tạo nên sự đa dạng cho lựa chọn của du khách khi muốn thưởng thức sản phẩm du lịch này. Hơn thế nữa, mỗi phiên chợ ở mỗi địa phương lại mang những đặc điểm nổi bật khác nhau, có những sắc thái văn hóa riêng của mỗi nhóm dân tộc địa phương, du khách thậm chí có thể kết hợp chương trình “một tuần chợ phiên Lào Cai” để trải nghiệm đầy đủ nền văn hóa đặc sắc nơi đây.
Với tính chất phong phú cả về nội dung và linh hoạt về thời gian của các lễ hội trải đều trong năm của Lào Cai, sản phẩm du lịch kết hợp giữa thăm quan, nghỉ dưỡng và tham dự lễ hội ở Lào Cai ngày càng được du khách quan tâm hơn. Không chỉ du khách trong nước mới quan tâm tới các lễ hội của tỉnh Lào Cai, mà du khách quốc tế cũng dần biết tới sự hấp dẫn, độc đáo và nét văn hóa đặc sắc của các lễ hội tỉnh Lào Cai. Dựa vào xu hướng đó, tỉnh Lào Cai cũng đã và đang xây dựng, hoàn thiện loạt chương trình du lịch có kết hợp tham dự các lễ hội đặc sắc của tỉnh như: lễ hội Gầu tào đầu Xuân, lễ hội đua ngựa Bắc Hà vào mùa hè hay các lễ hội độc đáo như lễ Cấp sắc, lễ hội Xuống đồng…Bằng sức hấp dẫn tự thân, các lễ hội của tỉnh Lào Cai đã dần khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách. Các chương trình du lịch tham dự lễ hội ở Lào Cai ngày càng được các công ty đưa vào khai thác nhiều hơn và cũng được du khách lựa chọn nhiều hơn.
Sản phẩm du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống như: Nghề chạm khắc dân tộc Hmong; nghề thêu thùa thổ cẩm người Dao, Hmong; nghề đan lát mây, tre đan người Hà Nhì,... cũng được quan tâm phát triển. Tạo ra các sản phẩm, quà tặng lưu niệm mang đặc trưng của địa phương. Các sản vật từ nông nghiệp (trâu sấy, lạp sườn, tương ớt,.) từ dược liệu (nước tắm, nước ngâm chân người Dao đỏ, tinh dầu quế, xả, tía tô, chùa du..) cũng được phát triển mạnh, đầu tư về mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu của du khách.
Việc mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương. Hạn chế dòng chảy lao động về miền xuôi, giữ chân thanh niên của bản làng ở lại địa phương cũng là góp phần gìn giữ nếp sống, sinh hoạt truyền thống cho các thế hệ. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc.
Sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực dân tộc, các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng dần thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Không những thế, các điểm đến hay di sản được quảng bá một cách hiệu quả, đạt được những danh hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế như ruộng bậc thang Sapa lọt danh sách 7 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới (Tạp chí Travel & Leisure, Hoa Kỳ); không gian chợ phiên truyền thống của Lào Cai lọt vào danh sách 25 điều không nên bỏ lỡ khi tới Việt Nam (tạp chí RoughGuide, Anh); Chợ phiên Bắc Hà được thiệu1 trong 10 chợ hấp dẫn ở Đông Nam Á trên Tạp chí Serendib (SriLanka); Sapa nằm trong số 5 điểm khám phá tuyệt nhất thế giới để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán (chuyên trang Lonely Planet). Cùng với đó các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh, quảng bá văn hóa được đồng hành với xúc tiến du lịch. Năm 2023, du lịch Lào Cai phục hồi mạnh mẽ (lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên Đán và Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, 2/9 của Lào Cai đều xếp top đầu cả nước). Năm 2023 tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 7 triệu lượt khách, đạt 117% so với kế hoạch; tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 22.500 tỷ đồng, đạt 110% mục tiêu kế hoạch.
Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch xanh nhằm phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 cấp trong triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cấp tỉnh – cấp huyện – cấp xã – cộng đồng; 5 nhà: nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông – nhà truyền thông. Xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiến hành song song giữa gìn giữ và bảo tồn và lựa chọn những để phát triển sản phẩm du lịch xây dựng di sản thành sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm, gắn du lịch với môi trường văn hóa. Phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.