Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y
Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ đời này sang đời khác, mang trong mình giá trị đặc trưng của dân tộc.Theo truyền thống, tết Thanh Minh của người Bố Y được xác định sau ngày Lập xuân 45 ngày hoặc sau ngày Đông chí 105 ngày. Năm 2024, tiết Thanh Minh của người Bố Y diễn ra vào ngày 4/4 dương lịch (tức ngày 26/2 âm).
Trong các phong tục văn hóa truyền thống của người Bố Y ở Mường Khương thì tết Thanh Minh có nét đặc sắc riêng, với những nghi thức như tảo mộ, cúng thần linh, cúng tổ tiên để tri ân, cầu sự bình yên và an lành trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để mọi người trong họ tộc sum họp, thăm hỏi, động viên nhau và bàn việc làm ăn trong năm.
Theo phong tục của người Bố Y, đầu năm, khi chuẩn bị gần đến dịp tết Thanh Minh, trưởng họ sẽ chọn ngày, giờ tốt để thông báo với các gia đình thành viên trong họ tập trung ra mộ tổ để tảo mộ (dọn dẹp cây cỏ, đắp mộ sạch đẹp), làm cỗ cúng thần linh, tổ tiên theo nghi lễ truyền thống.
Dịp tết Thanh minh năm nay, phóng viên được Trưởng họ “Dì” - một dòng họ lớn của người Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cho tham dự nghi lễ cúng Thanh Minh của dòng họ.
Từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa lên khỏi rặng thông trên núi, các thành viên của dòng họ “Dì” do Trưởng họ Dì Phủng Chấu dẫn đầu đã băng đồng, vượt đồi đến phần mộ tổ đặt ở một ngọn đồi đầu thôn.
Trước khi bắt tay vào thực hiện các nghi lễ cúng tết Thanh Minh ở mộ tổ, ông Dì Phủng Chấu phải đến thắp hương xin phép thổ địa ở một ngôi miếu nhỏ được dựng gần phần mộ tổ. Trong lời cúng xin có câu: “Hôm nay, dòng họ “Dì” tổ chức Thanh Minh cho các cụ tổ tiên trong họ, vậy xin thổ địa cho phép… và mời thổ địa cùng đến thụ lộc…”.
Sau khi xin phép thổ địa, trưởng tộc đến thắp nén hương xin phép tổ tiên cho mọi người dọn dẹp cỏ dại, vệ sinh sạch sẽ khu vực mộ phần của tổ tiên và tổ chức làm cỗ cúng tại khu vực gần phần mộ. Tiếp đó, mọi người sẽ phân công cho thanh niên trẻ khỏe dọn cỏ, xúc đất lấp đầy và đắp lại mộ cho đẹp đẽ; các con, cháu gái mổ gà, đồ xôi, còn đàn ông mổ lợn, để nguyên cả con mang đi quay vàng làm mâm cỗ cúng tổ tiên.
Các vật phẩm cúng tổ tiên của người Bố Y được chuẩn bị cẩn thận, theo đúng truyền thống và quan điểm tâm linh của dân tộc. Trong lễ cúng Thanh Minh có hai lễ khác nhau, thứ nhất là lễ các vật phẩm như tiền vàng, đồ mã (các vật phẩm mà người sống dâng tặng người đã mất như quần áo, mũ, giày, dép…) và mâm cỗ cúng. Trong mâm cỗ cúng, quan trọng nhất là con lợn quay và xôi, thịt, hoa quả, rượu trắng. Theo phong tục truyền thống, con, cháu sẽ mang biếu các cụ già 1 con gà và hoa quả, bánh kẹo... để làm lễ.
Sau khi các con cháu dọn vệ sinh và đắp mộ gọn gàng, cũng là lúc mâm lễ cúng được bày ra trước mộ. Lúc này, trưởng họ sẽ rót rượu ra các chén và thực hiện nghi lễ cúng.
Nội dung bài cúng đại ý bày tỏ lòng tôn kính tới các vị thần linh, tổ tiên và cầu xin các cụ tổ phù hộ cho con cháu trong dòng họ được mạnh khỏe, đoàn kết, hạnh phúc; cầu xin cho cây trồng được tốt tươi, trâu bò khỏe mạnh, mùa màng bội thu… Khi trưởng họ làm lễ cúng thì các con, các cháu phải đứng bên cạnh để chứng kiến.
Sau khi lễ cúng được tiến hành xong, mọi người bày cỗ trên khu đất bằng bên cạnh mộ ăn cơm, uống rượu vui vẻ. Khi đó, người già sẽ kể lại những câu chuyện về người thân đã khuất, ôn lại những kỷ niệm buồn, vui trong quá khứ và chỉ bảo, truyền dạy cho người trẻ các nghi thức về lễ cúng trong tết Thanh Minh. Các bà, các chị cũng trò chuyện, tâm sự, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn… Qua bữa cơm, tình cảm các thành viên trong dòng họ được gắn kết. Nhờ đó, mối quan hệ gắn bó của các thành viên trong dòng họ được củng cố hơn nữa.
Sau bữa cơm thân tình, con cháu người Bố Y sẽ đốt mã và cắm cây tiền lên trên mộ tổ tiên với thành ý biếu người đã khuất. Những “xâu tiền” bằng giấy trắng được bó thành từng bó treo lên cành cây, trong đó bó tiền cuốn bằng giấy đỏ là của các con trai, bằng giấy xanh là của các con gái, bằng giấy vàng là của các cháu gửi biếu.
Tết Thanh Minh của đồng bào dân tộc Bố Y, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương là nghi lễ độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác, nhắc nhở mọi người nhớ về tổ tiên, quê hương, nguồn cội.
Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn)