Sức bật cho doanh nghiệp mở thị trường quốc tế
Các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu của Chính phủ trong thời điểm này rất cần thiết và có hiệu quả lớn.Hiệu ứng tích cực
Năm 2012, các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường của Chính phủ đã có hiệu ứng tích cực đối với xuất khẩu của doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ của Chính phủ thông qua Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia có tổng kinh phí 93,93 tỷ đồng cho 114 đề án.
Trong đó, tổ chức xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành có 20 đề án với tổng kinh phí 30,56 tỷ đồng; tổ chức xúc tiến thương mại địa phương có 60 đề án với 27,37 tỷ đồng và tổ chức xúc tiến thương mại của các hiệp hội ngành hàng có 34 đề án với 35,15 tỷ đồng.
Các đề án tập trung vào những nội dung cấp bách như mở thị trường, tạo kênh lưu thông cho doanh nghiệp, góp phần giải phóng hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; kiềm chế nhập siêu.
Một số đề án có hiệu quả cao về kinh tế như tham gia và tổ chức hội chợ ở nước ngoài để quảng bá và tạo kênh phân phối hàng Việt, tổ chức hội thảo và đoàn giao thương để tìm cơ hội xuất khẩu.
Trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm nhu cầu, hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu của Chính phủ thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dù với số tiền còn nhỏ nhưng đã giúp doanh nghiệp củng cố thị phần trong và ngoài nước, tạo đầu ra ổn định và tháo gỡ tích cực cho sản xuất kinh doanh.
Kết quả cụ thể là hỗ trợ 4.596 lượt doanh nghiệp tham gia với 7.924 gian hàng tại các hội chợ trong và ngoài nước, tiến hành 677.582 lượt giao dịch, ký 28.879 hợp đồng có tổng giá trị gần 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng, góp phần tích cực vào kim ngạch xuất khẩu 114,6 tỷ USD năm 2011.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho biết: “Hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu của Nhà nước rất quan trọng. Đối với ngành chè, xúc tiến thương mại là hoạt động rất quan trọng nhưng doanh nghiệp tự làm thì hiệu quả rất kém. Nhờ hỗ trợ của Nhà nước, ngành chè đã mở rộng thêm nhiều thị trường, hiện xuất khẩu tới hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Tạo đột phá mở thị trường
Năm 2013, cạnh tranh trên thị trường quốc tế rất khốc liệt, các nước kể cả phát triển và đang phát triển đều coi tăng cường xuất khẩu như một giải pháp tạo lối thoát cho nền kinh tế.
Theo Báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2013" của Liên Hợp Quốc, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 chỉ khoảng 2,4%. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 126 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011 và thâm hụt thương mại ở mức 8% kim ngạch xuất khẩu. Do đó, hỗ trợ xúc tiến thương mại của Chính phủ giúp doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu là rất cần thiết.
Ngay những ngày đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, trong đó có nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đã xác định tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh phát triển thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, mở rộng thị trường quốc tế cho hàng hóa Việt Nam, để không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Tiếp đó, Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ cũng xác định hỗ trợ thị trường, giải phóng hàng tồn kho là nội dung quan trọng, coi thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu trên cơ sở tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tích cực và hiệu quả.
Theo đó, bộ chuyên ngành có cách thức hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp bán hàng sản xuất trong nước tại thị trường nội địa và quốc tế, đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến khích liên kết tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Đặc biệt đối với xuất khẩu, Nghị quyết 02/NQ-CP yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các đề án trong Chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước, đồng thời nắm bắt, cập nhật tình hình thị trường để bổ sung các đề án mới có hiệu quả, xây dựng phương án hỗ trợ bổ sung, trong đó tập trung vào mở rộng các thị trường tiềm năng...
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai nhận xét: “Những giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu trong hai Nghị quyết của Chính phủ sẽ tạo sức bật và nguồn lực cho hệ thống xúc tiến thương mại trên cả nước thực hiện những đề án, hoạt động thiết thực giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu”.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 đã tiếp nhận 240 đề án với tổng kinh phí 257,6 tỷ đồng. Tháng 12/2012, Bộ Tài chính đã thông báo mức kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 là 80 tỷ đồng.
Điểm mới của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 là đã được chuyển nguồn từ chi đầu tư phát triển sang chi thường xuyên, đã tạo sự ổn định cho hoạch định các hoạt động hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả XTTM, tránh bị động như những năm trước.