Cầu Bến Rừng kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh đang được thi công. (Ảnh NGUYỄN ĐỨC NGHĨA)
Chưa đầy một tháng sau khi Chính phủ có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), đầu tháng 4/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố quyết định chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án này cho chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục
Bày tỏ sự cảm ơn các cơ quan của Chính phủ và thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, huyện Đông Anh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện các thủ tục của dự án, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Trần Đình Tuấn nêu rõ, doanh nghiệp cam kết sẽ tập trung nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, tuân thủ các nội dung tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI. Ảnh: QUANG DŨNG
Thời gian qua, thành phố Hà Nội quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục bằng cách tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết: Trong năm 2023 và ba tháng đầu năm 2024, thành phố ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Thành phố ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Thuế…, để giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Thành phố Hải Phòng ban hành cơ chế đặc thù ủy quyền cho một cơ quan giải quyết tất cả thủ tục đầu tư tại bộ phận một cửa. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bùi Ngọc Hải cho biết, nhà đầu tư đến thành phố Cảng chỉ cần liên hệ với “đầu mối” là Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ được đáp ứng các thủ tục về môi trường, giấy phép xây dựng... Với cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế và các cơ quan liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan…, các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng được cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế... ngay sau khi được cấp phép đầu tư.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội công bố Quyết định chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh cho chủ đầu tư. Ảnh: Phạm Linh
Tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây có chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư FDI của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Trần Quốc Trung cho biết: “Thủ tục hành chính được Ban tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, bảo đảm nhanh chóng, tiện ích cho doanh nghiệp. Năm 2023, Ban tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ, kết quả 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn; trong đó thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được rút ngắn, giảm bảy ngày so với quy định, thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm bốn ngày; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn 15 ngày, giảm năm ngày”.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khiến các doanh nghiệp tin tưởng, tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tại địa bàn. Theo lãnh đạo Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc), một nhà đầu tư lớn tại Thái Nguyên, chỉ trong thời gian rất ngắn, tập đoàn đã hoàn thiện tất cả các thủ tục đầu tư dự án thứ ba tại Khu công nghiệp Yên Bình với tổng số vốn đăng ký hơn 454 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp tại Thái Nguyên hơn 930 triệu USD để sản xuất các thiết bị năng lượng mặt trời.
Cũng trong thời gian không lâu, các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2 với quy mô gần 300 ha, vốn đầu tư 3.985 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên. Giám đốc công ty Lê Ngọc Ước cho biết: “Ban đầu công ty dự kiến khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2 vào tháng 12/2024, nhưng do tỉnh quyết liệt chỉ đạo các địa phương và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cho nên công ty dự kiến sẽ khởi công xây dựng khu công nghiệp vào tháng 10/2024, sớm hai tháng so với kế hoạch”.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV) với số vốn tăng thêm 920 triệu USD. Ảnh: Thế Bình
Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Chilisin Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng từ năm 2015, đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 73,7 triệu USD để mở rộng quy mô dự án sản xuất gia công các loại linh kiện điện tử cung cấp cho các đối tác Samsung, Apple và nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên 170,2 triệu USD. Phó Tổng Giám đốc Công ty Chilisin Việt Nam, ông Liao Yun Hoan cho biết, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với môi trường xã hội an toàn, sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp quyết định đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, chính quyền thành phố Hải Phòng rất ủng hộ, coi trọng và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư gặp phải.
Cùng với đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư đã tạo sự tin tưởng cao đối với các nhà đầu tư. Thời gian qua, nhiều đồng chí lãnh đạo của thành phố Hải Phòng đã dẫn đầu chương trình xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia trọng điểm như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các chương trình xúc tiến đầu tư này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tại chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước bạn đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với số vốn đầu tư cam kết lên đến 1,5 tỷ USD; trong đó có biên bản ghi nhớ với Tập đoàn LG Innotek Hàn Quốc. Chỉ trong sáu ngày, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ một ngày sau đó, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD cho Tập đoàn LG Innotek.
Sản xuất tại Công ty TNHH điện tử Chilisin Việt Nam tại Khu công nghiệp Vsip (Hải Phòng). Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Tuy môi trường đầu tư đã có nhiều chuyển biến, nhưng khi triển khai các dự án tại các địa phương, các nhà đầu tư vẫn gặp một số khó khăn. Tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư phản ánh, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn vướng mắc, khiến việc triển khai các dự án bị chậm tiến độ. Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong-Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cho biết, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cụm công nghiệp đang chậm trễ do nhiều hộ dân không hợp tác, đồng thuận…; hồ sơ quản lý đất đai tại khu vực giải phóng mặt bằng không đầy đủ. Doanh nghiệp đề nghị huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án để chủ đầu tư có thể tiến hành các bước tiếp theo. Về vấn đề này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; các sở, ngành, địa phương phải đối thoại thường xuyên, đột xuất để lắng nghe, nắm bắt và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại các trung tâm công nghiệp, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp gần như không còn. Khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên) phải “gạn” đất công nghiệp còn lại để cấp cho nhà đầu tư; một số dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, giao thông đang thiếu vật liệu san lấp.
Tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc được tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước sáu tháng, dự kiến đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024. Ảnh: Thế Bình
Để khắc phục những khó khăn này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên Hà Văn Dương cho biết: Ngay sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, các địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp với diện tích hơn 3.000 ha; hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2; hơn 10 cụm công nghiệp trên địa bàn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm tạo quỹ đất công nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã đấu giá quyền khai thác 22 mỏ đất ở các địa phương. Hiện nay, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp trúng đấu giá đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để cấp phép khai thác, nhằm khắc phục tình trạng thiếu vật liệu san lấp tại dự án. Để có thêm mặt bằng đầu tư, Hải Phòng tập trung triển khai xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam thành phố. Trong đó, thành phố định hướng hình thành Khu thương mại tự do, Cảng nước sâu nam Đồ Sơn, sân bay Tiên Lãng… Hải Phòng cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp mới Nam Tràng Cát, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2...
Cùng với các giải pháp trên, các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng hoặc tiểu vùng. Thành phố Hà Nội đang phối hợp các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, phấn đấu cuối năm 2025 đưa vào sử dụng đường song hành. Thành phố Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ công trình cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Thái Nguyên khẩn trương thi công đường vành đai 5-Vùng Thủ đô; tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.