Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng
Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.Sinh ra trong gia đình thuần nông, điều kiện không mấy khá giả, ngay từ nhỏ anh đã sớm quen với những công việc lam lũ, vất vả. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Xuân từ bỏ giấc mơ học đại học để đi làm xa, đủ thứ nghề. Công việc giữ chân anh lâu nhất là xây dựng, anh làm phụ vữa rồi thợ xây.
Tình cờ trong một lần đi xây dựng công trình nhà ở, anh Xuân thấy công nhân sử dụng một loại móc buộc thép ly thông minh. Thay vì dùng lực bằng tay siết chặt thép ly cố định chắc khung sắt như các loại móc tự chế thông thường, loại móc này có cơ chế tạo thân rỗng dạng xoắn, bên trong thân có một thân dọc gắn móc, có thể kéo xoắn 360 độ giúp việc buộc thép vừa nhanh chóng lại không tốn sức.
Đôi mắt anh bừng sáng, chăm chú nhìn theo từng nhịp xoắn thép. Thế rồi, anh mang chiếc móc về, dành thời gian ban đêm nghiên cứu và tự chế tạo ra sản phẩm này. Anh lập kênh cá nhân trên Youtube làm video hướng dẫn sản phẩm và bán ra thị trường.
Thật không ngờ, thị trường rất đón nhận sản phẩm móc buộc thép ly do anh Xuân chế tạo ra. Hàng nghìn chiếc móc thép đã được bán cho nhiều chủ công trình khắp đất nước. Năm 2019, anh quyết định trở về quê hương, vay vốn mở xưởng sản xuất, chuyên gia công các thiết bị phục vụ công trình xây dựng.
Không chỉ dừng lại ở chiếc móc buộc thép ly ban đầu, anh đã mày mò nghiên cứu tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như máy uốn sắt, bẻ đai sắt tự động, đặc biệt là các thiết bị cắt gạch, vận chuyển đá tảng, đá khối, bơm tự áp... được thị trường ưa chuộng và đặt hàng rất nhiều.
Anh thường xuyên review quy trình tạo ra các sản phẩm trên kênh Youtube cá nhân, đồng thời anh lập thêm tài khoản trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok để quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, anh đã thiết lập được mối quan hệ đối tác làm ăn với hơn 100 đại lý phân phối các thiết bị lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc.
Chúng tôi đến thăm cơ ngơi sản xuất của thanh niên “9x” Lương Văn Xuân, từ một xưởng cơ khí nhỏ ban đầu, nay đã mở quy mô rộng hơn 1.000 mét vuông với 3 khu gia công khác nhau, tạo quy trình khép kín từ vật liệu thô đến các sản phẩm hoàn chỉnh. Anh tạo việc làm cho 15 người lao động gia công cơ khí với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, kênh bán hàng trên Youtube của anh thu hút hơn 1.000 người đăng ký, anh thiết lập mạng lưới 30 người bán hàng. Xưởng sản xuất đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, tuổi thơ gắn với cánh đồng lúa, nương ngô, vì vậy, anh Lương Văn Xuân luôn mong muốn làm được điều gì đó về phát triển nông nghiệp.
Vẫn là duyên tình cờ, một lần tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, anh đọc bài báo viết về tình trạng khai thác lá cây giang tại một địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng chưa có sự quản lý chặt chẽ, người dân ồ ạt lên rừng hái lá, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng phòng hộ của lực lượng chức năng. Thế rồi, anh vào internet, tìm kiếm thông tin về cây giang và biết đó là nguyên liệu quan trọng để gói các sản phẩm bánh và gia công mỹ nghệ. Anh đi Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một số địa phương khác, nắm bắt được thông tin nơi đây có hàng trăm cơ sở sản xuất bánh, thường xuyên thu mua lá giang với số lượng lớn, có cơ sở thu mua hàng chục tấn mỗi tháng.
Tại Lào Cai, nhu cầu trồng cây giang ngày càng lớn, vì vậy, tháng 6/2023, anh đã quyết định đầu tư làm nhà lưới, xây dựng 3 vườn ươm giống cây giang với quy mô gần 1 ha.
Biết được ở Hà Giang có nhiều chủ vườn ươm đã thành công, anh Xuân sang đó học tập kinh nghiệm và đặt mua giống. Anh thường xuyên lên mạng, đọc sách, báo để tìm hiểu kiến thức về quy trình ươm giống trong bầu để tỷ lệ nảy mầm và tỷ lệ sống cao.
Anh Xuân cho biết: Thoạt nhìn, việc ươm giống cây giang tưởng dễ nhưng không phải vậy. Ban đầu, do thiếu kỹ thuật, đặc biệt tỷ lệ cân đối giữa đất, phân bón, độ ẩm và nhiệt độ, mô hình của tôi thất bại, khi tỷ lệ sống chưa đạt đến 50%. Tôi tiếp tục theo dõi khả năng sinh trưởng thật kỹ trước khi quyết định bán cây giống ra thị trường, như vậy khách hàng mới tin tưởng đặt mua lâu dài.
Thất bại đến đâu, anh Xuân tìm hiểu rõ nguyên nhân và rút ra kinh nghiệm đến đó. Sau hơn nửa năm, mô hình vườn ươm của anh Xuân đã đi vào ổn định, tỷ lệ sống của cây giống đạt hơn 80%, trung bình cứ 3 - 5 ngày anh xuất bán một đợt khoảng 5 nghìn bầu giống cây giang, giá bán 6.000 đồng/bầu. Nhờ chăm chỉ online giới thiệu sản phẩm, bạn hàng của anh không chỉ ở Lào Cai mà nhiều nơi trong toàn quốc. Vườn ươm cây giang của anh Xuân tạo việc làm thời vụ cho 15 lao động địa phương.
Không được đào tạo về ngành nghề cơ khí, kỹ thuật công nghiệp mà cũng chẳng có bằng cấp gì về nông nghiệp, tất cả kiến thức chỉ gói gọn trong chiếc điện thoại di động. Anh chăm chỉ nghiền ngẫm thông tin, tích lũy kinh nghiệm sản xuất và tự mình dàn dựng video để thu hút khách hàng.
"...Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng internet. Tuy nhiên, xu hướng giới thiệu sản phẩm thay đổi từng ngày, chúng ta luôn phải làm mới mình và chính tôi cũng phải tiếp tục học tập để việc giới thiệu không đi theo lối mòn...".
Thực tế, mô hình sản xuất của anh Xuân không có nhiều thuận lợi. Dù mô hình tận trong ngõ xóm, đi lại khó khăn nhưng anh Xuân là người biết nắm xu thế công nghệ thông tin để những sản phẩm cơ khí tưởng chừng như vô tri, vô giác lại trở nên sống động, tỏa đi các thị trường trong nước.
"...Cách làm và cách khởi nghiệp của đoàn viên Lương Văn Xuân rất đáng để học hỏi, đặc biệt là biết nắm cơ hội từ những điều nhỏ nhất...".
Có cơ ngơi tiền tỷ, nhưng anh Xuân vẫn chưa muốn dừng lại, anh sẽ tiếp tục học tập để tạo ra nhiều sản phẩm mới đòi hỏi kỹ thuật cao và hướng tới mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm.
https://baolaocai.vn/tinh-than-khoi-nghiep-cua-chang-trai-9x-dan-toc-nung-post383791.html