Phản ứng chính sách kịp thời
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ 2 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia kinh tế đã cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình kinh tế-xã hội năm tháng đầu năm 2024 và nêu những xu hướng chủ đạo của quá trình phục hồi, phát triển kinh tế thời gian tới.Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Cơ hội nhiều hơn thách thức
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2024 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó, đây là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.
Để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch năm 2024, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược cũng là một giải pháp quan trọng; chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen...
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong thời gian tới cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, nhất là trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
“Là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.
Trước xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, dù không đồng đều.
Sự phục hồi của nền kinh tế thể hiện ở các chỉ số phản ánh nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ...) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn để có thể tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ tài khóa trong thời gian tới, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ. Lạm phát mặc dù có xu hướng gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tương tự, lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng vẫn trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi…
Điểm nhấn thể chế
Nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 và 2025, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6% cho năm nay là có thể đạt được và xu hướng phục hồi của nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Động lực cho tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng cùng với các động lực tăng trưởng mới đến từ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng lưu ý, hoạt động thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục sôi động hơn nhờ quá trình hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thông qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo nhà đầu tư, doanh nghiệp cần quan tâm đến những thay đổi của thể chế và thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Điểm khác biệt trong công tác điều hành kinh tế-xã hội năm 2024 là Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng lên hàng đầu, bên cạnh chính sách giữ ổn định kinh tế vĩ mô.Với yếu tố thị trường, sự cạnh tranh gay gắt hơn của hàng xuất khẩu Việt Nam với các đối thủ khác, cùng với sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng sẽ đặt ra những yêu cầu mới và khắt khe hơn cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.
Trong khi đó về thể chế, Chính phủ đang đề xuất đẩy sớm hơn hiệu lực thi hành của bốn luật quan trọng, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… Việc sớm đưa các luật này vào cuộc sống được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính, ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn. Như vậy các luật chơi mới đã được thiết lập, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và có chiến lược phù hợp với bốn luật, vì các luật này có thể tái cơ cấu thị trường đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh có liên quan.