Tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến nay, cả nước vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã nông thôn mới”. Trong đó, một số xã khu vực III, khu vực II vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang có biểu hiện không muốn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Do đó, để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và có lộ trình giảm dần hỗ trợ đối với các xã cán đích NTM.

Vùng trồng dâu tây an toàn theo chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Ở những xã đặc biệt khó khăn, việc xây dựng NTM gặp nhiều gian nan, tuy nhiên người dân và chính quyền nơi đây vẫn nỗ lực, quyết tâm thực hiện bằng những cách làm riêng của mình.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm nông thôn mới

Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có 16 xã nhưng chỉ có 1 xã và 6 xóm đạt chuẩn NTM. Theo lãnh đạo huyện Bảo Lạc, hành trình xây dựng NTM của huyện còn khá gian nan. Bình quân toàn huyện, tiêu chí NTM đạt 7,93 tiêu chí/xã. Trong đó, chỉ có 1 xã đạt hơn 10 tiêu chí; còn 13 xã đạt từ 6-10 tiêu chí; riêng xã Xuân Trường mới đạt 5 tiêu chí. Tiêu biểu cho khó khăn trong xây dựng NTM tại huyện Bảo Lạc là xã biên giới Khánh Xuân. Hiện, xã Khánh Xuân còn 5/13 xóm chưa có đường ô-tô đến trung tâm xóm; 8/13 xóm vùng cao, thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trầm trọng trong mùa khô. Cũng tại 8 xóm vùng cao, do địa hình phức tạp, chi phí đầu tư cao cho nên các địa bàn này cũng chưa có điện lưới quốc gia.

Trong xã còn 6/8 xóm vùng cao chưa được phủ sóng điện thoại. Đến nay, xã Khánh Xuân còn 410/602 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 68% tổng số hộ.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc Đàm Văn Chuẩn chia sẻ, để khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến phát triển kinh tế-xã hội, xã đang tập trung xã hội hóa và huy động sức dân thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, nguồn xã hội hóa của huyện, của xã đã huy động được hơn 2 tỷ đồng mua xi-măng, bột đá hỗ trợ các xóm. Các xóm huy động sức dân bê-tông hóa được hơn 20 km đường liên xóm rộng hơn 1m, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư phát triển sản xuất, từ đó, nâng cao đời sống của người dân.

Gỡ khó từ các tiêu chí cụ thể, thay đổi cách nghĩ từ lãnh đạo đến người dân cũng là cách làm của người dân và chính quyền xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Năm 2021, xã đã đạt 11/19 tiêu chí trong xây dựng NTM, nhưng năm 2022, lại giảm hai tiêu chí về quy hoạch và y tế do chưa đạt theo quy định mới, sau đó lại giảm tiếp một tiêu chí truyền thông văn hóa do hệ thống trạm phát thanh chưa được đầu tư theo quy định cho nên hiện nay xã chỉ đạt 8/19 tiêu chí.

Chủ tịch UBND xã Chim Vàn Đinh Thị Huyền trăn trở: Hiện tại tiêu chí giao thông cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, không có mặt bằng, đường nội bản, liên bản khó hoàn thành do địa hình cũng như nguồn vốn ít. Trong khi thu nhập của người dân còn thấp, chỉ đạt gần 15 triệu đồng/người/năm, cho nên việc đạt tiêu chí thu nhập theo Bộ tiêu chí mới và việc huy động nội lực làm đường giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang ở mức cao (hơn 700 hộ trên tổng số 1.200 hộ).

Để gỡ khó, xã đã có nhiều giải pháp trong hướng dẫn, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường đưa lao động địa phương đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn. Trước mắt, xã phấn đấu trong quý II sẽ hoàn thành xong tiêu chí y tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, huy động lực lượng giúp các hộ cài đặt và kích hoạt thành công ứng dụng định danh điện tử về y tế (VssID).

Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sơn La Dương Gia Định cho biết, việc thay đổi một số nội dung của bộ tiêu chí NTM như: Tiêu chí thu nhập, đường giao thông nông thôn... ở các vùng khó khăn của Sơn La đang gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện.

Hỗ trợ, đổi mới chính sách

Ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg về sửa đổi một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM, NTM nâng cao cấp huyện, xã. Bộ tiêu chí được quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng, miền. Việc sửa đổi này cơ bản đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để bảo đảm thực hiện tốt hơn các mục tiêu của Chương trình NTM (nhất là vấn đề nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, vấn đề hỏa táng, khám, chữa bệnh thông qua ứng dụng công nghệ số,...).

Ở góc độ địa phương, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM bằng cụ thể hóa các nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ như Nghị quyết số 06; Nghị quyết số 08 để tổ chức tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tổ chức phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đưa Sơn La trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của các tỉnh Bắc Trung Bộ...; tích hợp, lồng ghép các Chương trình, đề án, dự án (phát triển chuỗi giá trị, chương trình OCOP...) để củng cố, phấn đấu đạt chuẩn theo từng nhóm chỉ tiêu, tiêu chí; rà soát, đánh giá kỹ từng Bộ tiêu chí của từng cấp, xây dựng Kế hoạch đạt chuẩn từng năm, giai đoạn phù hợp với tình hình và các nguồn lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho từng địa bàn, từng nhiệm vụ, giai đoạn.

Theo ông Dương Gia Định, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, xây dựng NTM ở Sơn La đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, tỉnh tiếp tục củng cố, duy trì và phát huy các thành quả đã đạt được, trong đó coi xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là căn bản, nền móng, xây dựng NTM là mục tiêu. Triển khai đồng bộ, hiệu quả cả 3 chương trình trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Bảo đảm NTM đạt chuẩn thực chất từ chất đến lượng, nâng cao giá trị đời sống, tinh thần, văn hóa, môi trường nông thôn của tỉnh Sơn La.

Tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đồng bộ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn theo hướng hiệu quả, thực chất, vì lợi ích của người dân. Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp khó khăn trong triển khai một số cơ chế, chính sách như: chính sách lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia do Trung ương quy định phân hóa địa bàn; khó khăn về bộ máy giúp việc, từ cấp tỉnh đến cơ sở, cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm, không có chuyên trách; khó khăn về địa bàn rộng, đa lĩnh vực... Do đó, kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, phân bổ thêm nguồn lực giúp đỡ địa phương khó khăn xây dựng NTM.

Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Hiện, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ địa phương trong xây dựng NTM đang có xu hướng giảm, chưa kể một số cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, sát thực tế. Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, để gỡ khó cho địa phương, hiện các bộ, ngành đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại văn bản hướng dẫn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quá trình áp dụng các hướng dẫn chi tiết nhằm đạt được của từng chỉ tiêu.

Được biết, các tiêu chí đã được tính toán đến tính đặc thù của từng vùng, miền, khả năng đạt được của phần lớn địa phương và bảo đảm không quá chênh lệch giữa các vùng, miền. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, việc chủ động lồng ghép các nguồn lực được phân bổ trên địa bàn cần linh hoạt, để vừa bảo đảm đạt mục tiêu của mỗi chương trình vừa đạt được các mục tiêu về xây dựng NTM.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội

Tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93% là cố gắng lớn của chúng ta trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.Tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. Các chính sách về người có công, giảm nghèo bền vững dành cho người yếu thế đang được thực hiện một cách có hiệu quả.

Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế 'xin - cho', sách nhiễu

Phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát...

Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam...

Đưa quan hệ Việt Nam-Qatar bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Báo ASIAN Telegraph (Qatar) nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhà nước Qatar.

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên