Lào Cai đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP
Trong 2 năm 2024 - 2025, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai xây dựng, nhân rộng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, sản phẩm là đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Lào Cai đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP
Đến nay, đã có 08 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố với 205 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 195 sản phẩm 3 sao) được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. Các nhóm sản phẩm OCOP có 175 sản phẩm thực phẩm, 14 sản phẩm đồ uống, 06 sản phẩm dược liệu, 09 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 01 sản phẩm du lịch. Mới đây nhất vào tháng 4/2024, Bưu điện tỉnh đã khai trương gian hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP tại Bưu cục Cửa khẩu- thành phố Lào Cai. Đây là gian hàng đầu tiên trong chuỗi gian hàng OCOP được Bưu điện tỉnh triển khai nhằm giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP Lào Cai.
Các sản phẩm OCOP của Lào Cai cũng đã được giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, cụ thể như: Sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; Hội chợ OCOP Quảng Ninh; tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại thành phố Hồ Chí Minh; hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 19 trong khuôn khổ Festival bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam; tổ chức Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại TP. Hà Nội; tổ chức Tuần hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại Lào Cai; tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam tổ chức tại Hà Nội; Hội chợ – Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ lần X.
Thương mại điện tử cũng là một hình thức đang được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ứng dụng trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay toàn tỉnh đã có 86% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại; 96% sản phẩm OCOP (196 sản phẩm) được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quản lý chuỗi nông sản an toàn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia các hệ thống để minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được tỉnh duy trì hiệu quả. Trong đó, hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 104 doanh nghiệp/hợp tác xã với 328 dòng sản phẩm được minh bạch thông tin, rõ nguồn gốc xuất xứ; Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với 201 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và 350 sản phẩm tham hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại; Hệ thống phần mềm quản lý chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 156 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận hỗ trợ công tác quản lý giám sát chất lượng các sản phẩm trong chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm.
Xôi 7 màu - một đặc sản nổi tiếng ở Lào Cai được nhiều du khách biết đến
Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đến nay càng có nhiều sản phẩm OCOP Lào Cai được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như: Trà Ô Long; Bánh trưng đen; Tương ớt; gạo Séng Cù; Cốm Bắc Hà; xôi 7 màu, miến đao; lạc đỏ; cá hồi; thịt trâu sấy; thịt lợn đen hun khói mật ong; gạo nếp; Tinh dầu quế; …
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 240 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Do đó, kết nối giao thương và xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP; Hỗ trợ chuyển đổi số, quảng bá xúc tiến thương mại điện tử cho chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP sẽ ngày càng phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương,nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.