Trung Quốc muốn nâng cấp quan hệ kinh tế-thương mại với Việt Nam
Những năm gần đây, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển nhanh chóng và hợp tác đầu tư đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch song phương vượt 200 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp, đạt 145,07 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng 20,9% so mức cùng kỳ năm ngoái.Ông Hà Á Đông, Phó Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn báo chí Bộ Thương mại Trung Quốc. (Ảnh: haiwainet.cn)
Đây là thông tin được ông Hà Á Đông, Phó Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn báo chí Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tại buổi họp báo chiều 23/8.
Theo đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Các loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, thanh long... rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Nông sản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị nông sản nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Trong hợp tác đầu tư, Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, các công ty Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 1,84 tỷ USD vào Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó có nhiều dự án hợp tác về kinh tế xanh và giao thông đô thị.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, thời gian tới, sẽ lấy mốc thời gian kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025 là cơ hội để thúc đẩy việc cải thiện và nâng cấp hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Các giải pháp cụ thể được đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra là: Thứ nhất, tăng cường hợp tác thương mại song phương và hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tận dụng tối đa các nền tảng như Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN để mở rộng trao đổi thương mại các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và thành phẩm công nghiệp. Thứ hai, tạo động lực mới cho hợp tác đầu tư và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực như kinh tế số và phát triển xanh.
Thứ ba, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hỗ trợ hai bên tăng cường hợp tác giữa các khu công nghiệp và địa phương, đồng thời cùng nhau thúc đẩy tiện lợi hóa thương mại và liên kết phát triển công nghiệp phối hợp.
Thứ tư, thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực, đẩy nhanh đàm phán Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0, tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.
Bộ Thương mại Trung Quốc: Trái cây Việt Nam rất được ưa chuộng (nhandan.vn)