Trăm năm kể chuyện nghề Rèn

Trăm năm_20240813_082753_0000.jpg
“Cạch! Cạch!” - tiếng búa đập vào thanh sắt phát ra từ một lò rèn nhỏ nằm c_20240821_124532_0000.jpg
Tiêu đề_20240821_095236_0000.jpg

Trong căn nhà nhỏ ngái nồng mùi khói bếp, ông Sùng Seo Nhà (74 tuổi) một trong những cao niên còn bám trụ với nghề rèn nở nụ cười móm mém đón chúng tôi ghé thăm trong một buổi chiều lất phất mưa. Giọng kể bằng tiếng phổ thông lơ lớ vẫn đủ để chúng tôi hiểu nghề rèn đến với Bản Phố “duyên nợ” như thế nào và ai là người đầu tiên có công đưa nghề rèn về với bản làng.

1_20240821_103707_0000.jpg

Theo lời kể của ông Sùng Seo Nhà và một số cao niên trong thôn thì hiện tại không có tài liệu hay thông tin ghi chép về người đầu tiên làm nghề rèn đúc ở Bản Phố mà người Mông truyền tai nhau rằng “ông tổ” nghề rèn của địa phương chính là cụ Sùng Seo Sào - ông nội của ông Sùng Seo Nhà.

Chuyện kể rằng ngày xưa Bản Phố còn nghèo, người dân trong thôn quanh năm cặm cụi trên nương mà vẫn không đủ ăn. Những người đàn ông chí lớn loay hoay tìm cách làm giàu mà cứ mãi trong vòng luẩn quẩn nghèo nàn, lạc hậu. Trong một lần ra chợ huyện, cụ Sùng Seo Sào thấy quầy bán nông cụ của người Hoa khách ra vào nườm nượp. Lân la hỏi chuyện, cụ biết những nông cụ dao, cuốc, lưỡi cày là do họ tự rèn nên bày tỏ mong muốn được học nghề. Chi phí dạy nghề là một con trâu và người Hoa cũng cam kết thành nghề họ mới nhận công. Ngày đó một con trâu giá trị lắm, gia đình có duy nhất con trâu để cày nương nhưng cụ Sào vẫn quyết tâm học bởi nếu thành nghề có thể mua thêm được vài con trâu như thế.

2_20240821_103707_0001.jpg
 

Chăm chỉ học nghề, chỗ nào không hiểu cụ hỏi đi hỏi lại, nhất là những bí mật gia truyền mà người Hoa nắm giữ, chẳng bao lâu cụ Sào đã có thể rèn được con dao, cái cuốc chất lượng thậm chí còn hơn người Hoa làm. Biết cụ Sào rèn nông cụ chất lượng, người trong thôn, trong xã và các địa phương lân cận đều muốn mua sản phẩm do chính tay cụ Sào rèn. Lò rèn tối ngày đỏ lửa, sản phẩm làm ra không đủ bán, lại thêm nhiều người muốn cụ truyền nghề, cụ Sào tận tình chỉ bảo. Chỉ trong một thời gian ngắn, xã Bản Phố đã phát triển hơn 10 lò rèn. Từ việc phải mua nông cụ của người Hoa giờ họ đã tự sản xuất và sản phẩm có thương hiệu vững chắc trên thị trường. Nông cụ do các lò rèn ở Bản Phố được đánh giá chất lượng tốt, có tính thẩm mỹ cao, dùng đến mòn vẹt mà vẫn sắc lẹm.

Tiêu đề_20240821_095540_0000.jpg

Ông Sùng Seo Nhà chia sẻ 12 tuổi đã được bố truyền nghề, ông và những người đàn ông dân tộc Mông ở Bản Phố khẳng định bí quyết để làm ra những con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc ngọt và có độ bền cao, đầu tiên phải lựa chọn được loại thép tốt. Bên cạnh đó, kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng, thép nung phải đủ độ nóng, không non quá cũng không được quá già lửa. Kỹ thuật này quyết định độ bền của sản phẩm.

Tiêu đề_20240821_123611_0000.jpg

Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông.

Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, lực búa giáng xuống thanh thép phải đều nhau, độ mạnh yếu biến hóa với từng phần của sản phẩm. Than đốt lò để rèn cũng rất đặc biệt. Xưa người Mông không dùng than đá mà dùng than củi của loại gỗ chắc thường là sến đỏ, dổi. Trong khi rèn nhiệt độ lò rèn phải nóng đều mới cho ra sản phẩm tốt nên yêu cầu người quay bễ phải đều tay.

Bàn tay khéo léo_20240821_105224_0000.jpg
Đôi bàn tay khéo léo, bền bỉ của người thợ rèn làm ra những nông cụ sắc bén.

Lò rèn của người Mông Bản Phố không cầu kỳ, chỉ có một ụ đất làm lò, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Cái bễ là quan trọng nhất. Nó cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Cái bơm ấy được khoét ra từ thân cây đường kính khoảng 50 cm. Pít tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà chung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, người thợ đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức.

Nhưng có lẽ công phu hơn cả là kỹ thuật đúc lưỡi cày. Lưỡi cày của người Mông Bản Phố được rèn đúc khác biệt để phù hợp với địa hình nương đồi nhiều đất đá nên khuôn đúc cũng khác biệt. Khuôn lưỡi cày được làm từ đất sét trắng lấy từ Bản Liền về rây mịn, sau đó nhào với nước tạo hình rồi đem nung ở nhiệt độ phù hợp. Mỗi khuôn đúc lưỡi cày nặng khoảng 60 kg. Phôi gang nóng chảy được đổ vào khuôn sẽ thu được lưỡi cày có độ cong, mũi nhọn đặc trưng.

Ngoài ra, thợ rèn người Mông Bản Phố còn nắm nhiều bí quyết mài nước, kỹ thuật thổi gang, nung thép tinh xảo mà máy móc khó có thể thay thế. Kỹ thuật đúc rèn công phu đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, bền bỉ với thời gian.

Tiêu đề_20240821_095540_0001.jpg

Nhấp chén trà đặc, ánh mắt của ông Sùng Seo Nhà và anh Ma Seo Chùa - những “truyền nhân” hiếm hoi của nghề rèn Bản Phố đượm buồn. Thời hoàng kim nhất của nghề rèn Bản Phố có lẽ là khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nền kinh tế bước vào giai đoạn đổi mới, ruộng nương được chia cho các hộ dân nên nhu cầu nông cụ lớn. Những lò rèn cả ngày rực lửa mà không đủ bán. Ông Nhà mỗi ngày có thể làm được 20 lưỡi cày, 10 con dao, làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Nghề rèn đem lại cho gia đình ông Nhà thu nhập ổn định.

Bàn tay khéo léo_20240821_111708_0000.jpg
Những "truyền nhân" của nghề rèn.

Còn anh Ma Seo Chùa cũng nhớ lại năm 14 - 15 tuổi là lao động chính trong lò rèn của bố anh. Được bố truyền nghề, anh có thể tự tay đúc được con dao, cái búa, lưỡi cày sắc lẹm. Lò rèn của gia đình anh cũng nức tiếng khắp vùng với những sản phẩm chất lượng.

Thế rồi cơn bão thị trường quét qua đã trực tiếp ảnh hưởng đến các lò rèn ở Bản Phố. Công nghệ hiện đại, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng của những nông cụ được sản xuất hàng loạt cạnh tranh với nông cụ được sản xuất theo phương thức thủ công. Cuộc chiến giành thị phần khiến nông cụ của người Mông Bản Phố dần mất vị thế. Nhưng chất lượng của các nông cụ sản xuất thủ công thì không thể phủ nhận được.

Tiêu đề_20240821_123611_0001.jpg

Ít khách mua nông cụ nhưng ông Sùng Seo Nhà vẫn duy trì lò rèn, mỗi ngày chỉ làm 5 - 7 sản phẩm theo đơn đặt hàng. Ông cũng đã truyền nghề được cho con trai Sùng Seo Của khi bản thân tuổi đã cao. Hiện tại ở Bản Phố vẫn còn nhiều nam giới biết kỹ thuật rèn đúc do ông cha truyền dạy nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà họ không thể bám trụ được với nghề để lại sự tiếc nuối về một thời hoàng kim của nghề rèn truyền thống địa phương.

Nghề rèn của người Mông Bản Phố không chỉ tạo ra những nông cụ phục vụ sản xuất mà còn góp phần quan trọng duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những “truyền nhân” của nghề rèn như ông Sùng Seo Nhà, anh Ma Seo Chùa luôn hy vọng nghề truyền thống địa phương được khôi phục, bảo tồn và phát huy để làm sống dậy những lò rèn ở Bản Phố, lại xuất hiện những triệu phú, tỷ phú từ nghề rèn.

Trăm năm kể chuyện nghề rèn | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn)

Theo baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...