Lào Cai: Hiệu quả và thách thức trong triển khai Chương trình 1719
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) với những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh những hiệu quả tích cực, Lào Cai cũng gặp không ít thách thức trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Phân tích số liệu thực tế từ báo cáo 6 tháng đầu năm cho thấy những điểm sáng và những rào cản cần vượt qua để chương trình tiếp tục mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đang góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa.
Hiệu quả trong chỉ đạo, triển khai thực hiện
Ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành hàng loạt kế hoạch, quyết định nhằm đảm bảo điều kiện pháp lý cho việc triển khai các chương trình MTQG. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Tại cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phân công nhiệm vụ, phân cấp quản lý để đảm bảo sự linh hoạt trong triển khai. Huyện Mường Khương và Bắc Hà đã được chọn làm điểm thí điểm cơ chế phân cấp, một bước đi mới nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện.
Tổng vốn huy động cho chương trình đạt 1.918.969 triệu đồng, trong đó vốn từ trung ương chiếm 1.125.419 triệu đồng, đảm bảo đủ nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc phân bổ nguồn lực được thực hiện chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các dự án thiết yếu như xây dựng hệ thống cấp nước sạch, đường giao thông nông thôn và nhà ở cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với 86 hội nghị lồng ghép, thu hút hơn 5.900 lượt người tham gia. Qua đó, nhận thức của người dân về Chương trình 1719 được nâng cao, góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc giám sát và triển khai các dự án.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn liên quan mật thiết đến hiệu quả của các chương trình phát triển.
Từ những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai đã giảm từ 28% xuống còn 24%, cho thấy nỗ lực trong việc cải thiện thu nhập và đời sống cho người dân. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng (như đường giao thông, trường học, hệ thống cấp nước sạch) được hoàn thành đúng tiến độ, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân vùng núi. Có trên 2.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số được hỗ trợ cây giống, vật nuôi và tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, giúp tăng năng suất và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường đạt 98%, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước nhờ các chính sách hỗ trợ học tập và miễn giảm học phí. Khoảng 85% người dân tại các vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản nhờ sự phát triển của các trạm y tế xã và đội ngũ y bác sĩ lưu động.
Những thách thức cần vượt qua
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình vẫn gặp nhiều thách thức. Đáng chú ý là tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp, chỉ đạt 5,69% so với kế hoạch Trung ương giao. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong quy trình lập kế hoạch, phê duyệt dự án và hạn chế về năng lực triển khai của các đơn vị cấp cơ sở.
Ngoài ra, việc thiếu quỹ đất công để bố trí tái định cư cho người dân cũng là rào cản lớn. Các dự án sắp xếp dân cư gặp khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình mà còn tạo áp lực lớn đối với các cấp quản lý trong việc đáp ứng nhu cầu sinh kế và phát triển hạ tầng.
Việc xác định đúng đối tượng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả gặp khó khăn. Chẳng hạn, một số dự án yêu cầu doanh nghiệp phải có tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số đạt 70%, nhưng trên thực tế, việc tuyển dụng lao động đáp ứng tiêu chí này gặp nhiều khó khăn do sự khan hiếm nguồn lao động đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Trên thực tế, có rất ít doanh nghiệp, HTX đáp ứng được điều kiện này.
Bình quân mỗi xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao 42,18%; thu nhập bình quân còn thấp (thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt năm 2023 đạt khoảng 39,82 triệu đồng/người/năm). Hiện nay, các hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, các điều kiện còn khó khăn như thiếu việc làm, thu nhập chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống, không có tích lũy, vì vậy, rất khó để thoát nghèo. Các hộ đã thoát nghèo luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo.
Có tới 25% các xã thuộc vùng dự án gặp khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ chuyên trách đủ trình độ và kinh nghiệm để quản lý và thực hiện chương trình.
Việc triển khai Chương trình 1719 tại Lào Cai trong 6 tháng đầu năm 2024 đã cho thấy những tín hiệu tích cực với các kết quả bước đầu đạt được. Tuy nhiên, những thách thức về giải ngân vốn, quản lý đất đai và cơ chế chính sách vẫn là rào cản cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Để chương trình tiếp tục mang lại hiệu quả, tỉnh Lào Cai đang tập trung vào cải thiện quy trình triển khai, tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh giám sát, đánh giá, từ đó đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Với những kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai, Lào Cai đang nỗ lực vượt qua các khó khăn hiện tại, biến thách thức thành cơ hội để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương./.