Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm
Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.Với vị trí là cửa ngõ, cầu nối giao thương kinh tế quốc tế, trong những năm qua, Lào Cai quan tâm đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào hoạt động từ năm 2014 không chỉ góp phần hoàn thiện hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, kết nối các khu công nghiệp, nghỉ dưỡng dọc tuyến và có ý nghĩa đặc biệt với phát triển của khu vực Tây Bắc, đồng thời góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Ngoài ra, trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông kết nối Lào Cai với vùng trung du và miền núi phía Bắc, sẽ có thêm nhiều dự án như dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xây dựng hầm Hoàng Liên nối Sa Pa với Lai Châu, đầu tư phát triển các cụm cảng thủy nội địa, cụm cảng cạn… Đặc biệt, việc triển khai xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương có đủ 4 loại hình giao thông, mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện, phát huy hiệu quả vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ không chỉ của Việt Nam, mà còn cả của các nước trong khu vực ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.
Nâng cấp tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Lào Cai cũng đề xuất thực hiện quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và xây dựng đường sắt khổ lồng kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Ngoài ra Lào Cai và Hải Phòng cũng đang tích cực phối hợp, nghiên cứu phương án cho phép xe chuyên dụng được chở hàng hoá thuỷ sản, hải sản chạy liên tục toàn tuyến Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh mà không cần chuyển tải sang các phương tiện khác tại cửa khẩu.
Trong giai đoạn 2015-2023, giá trị xuất nhập khẩu Lào Cai có sự tăng trưởng mạnh và ổn định, bình quân đạt gần 16,5%/năm. Đặc biệt, năm 2019 giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai đạt 3,81 tỷ USD, tăng 71% so với năm 2015. Năm 2023 giá trị xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 2,1 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2024 đạt 1,56 tỷ USD, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là hơn 1,1 tỷ USD, tăng 208%; kim ngạch nhập khẩu là gần 452 triệu USD, tăng 61%.
Dịch vụ xuất nhập khẩu phát triển đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao, bao gồm: Dịch vụ logistics (giao, nhận, vận tải hàng hóa, xếp dỡ, lưu kho hàng hóa, đóng gói, khai báo thủ tục hải quan...); dịch vụ tài chính, dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật, dịch vụ bưu chính và thương mại điện tử qua biên giới, dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan đến lữ hành,…
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong kết nối giao thương kinh tế giữa các vùng, ASEAN và Tây Nam - Trung Quốc, nhưng có thể thấy những kết quả này của Lào Cai còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu mua bán, giao thương giữa các khu vực. Hạ tầng thương mại, đường giao thông, bến cảng đã tiệm cận năng lực tối đa, đặc biệt còn thiếu các trung tâm logistics hiện đại để điều phối các hoạt động xuất nhập khẩu.
Lào Cai chưa hình thành được những trung tâm logistics liên hoàn, đảm bảo các điều kiện trong chuỗi sản xuất và lưu thông, một số các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa phục vụ phát triển logistics như: Cảng hàng không Sa Pa; cầu Bản Vược (Bát Xát), đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2 (mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 04 làn xe); đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm kết nối Lào Cai với Hà Khẩu; đường thủy nội địa từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (TP. Lào Cai), cảng cạn… còn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, làm giảm khả năng kết nối, vận chuyển, năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Lào Cai với các tỉnh trong nước và với Trung Quốc còn hạn chế.
Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung triển khai hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch chung.
Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics hiện đại.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất nhập khẩu. Đẩy nhanh hình thành trung tâm logistics cho hàng nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế.
Xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với khả năng gắn kết được với các địa phương trên hành lang; Mở rộng các lĩnh vực kết nối để các địa phương và doanh nghiệp trong vùng có thể tham gia. Xây dựng, kết nối các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp theo chuỗi giá trị và theo tuyến hành lang kinh tế. Nâng cấp các đô thị dọc hành lang kinh tế.
Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, thời gian và tiện ích thông quan cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực logistics.
Tạo quỹ đất sạch để thu hút sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh với giá trị gia tăng lớn nhằm tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định vào các thị trường nước ngoài.
Duy trì, nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch. Đẩy mạnh kết nối thương mại thông qua các hội chợ kết nối giao thương để quảng bá các đặc sản của tỉnh, các sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các du khách trong và ngoài nước./.