Ghi đậm dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế

Sáng 30/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ ngày 30/9 đến ngày 7/10/2024.

Chuyến công tác lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mang ý nghĩa đặc biệt. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam sau 16 năm, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ireland của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm.

Với cộng đồng Pháp ngữ, chuyến công tác tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của cộng đồng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Sáng 30/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam và Mông Cổ viết tiếp truyền thống hữu nghị

Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ Tsedenbal sang thăm Việt Nam, năm 1959. (Ảnh: TTXVN)

Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 17/11/1954) và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Các chuyến thăm tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2000 và 2008, cùng các chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ vào các năm 1994, 2005, 2013 và 2023 đã góp phần củng cố lòng tin chính trị và vun đắp cho sự phát triển của quan hệ song phương. Trải qua 70 năm, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ không ngừng được củng cố, ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Việt Nam và Mông Cổ đã ký một số văn bản hợp tác quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại như Hiệp định thương mại đầu tiên năm 1957, Thỏa thuận về thương mại năm 1999. Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật Việt Nam-Mông Cổ thành lập tháng 12/1979 và được khôi phục hoạt động từ năm 1996. Hai bên tiến hành họp thường xuyên 2 năm 1 lần, với kỳ họp gần đây nhất là Kỳ họp vào tháng 8/2022 tại thủ đô Ulan Bator. Năm 2013 Mông Cổ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ, tổ chức nhiều đoàn khảo sát, diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư.

Năm 1996, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác thương mại song phương. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6 triệu USD năm 2008, đã tăng lên mức hơn 120 triệu USD năm 2023. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ chủ yếu bao gồm: nông sản (gạo, cà phê, phở khô, hoa quả sấy khô), bia, bánh kẹo, gia vị đóng gói, một số chủng loại tân dược, hàng gỗ gia dụng, linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ…

Trong lĩnh vực giáo dục, Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục  được hai nước ký lại vào năm 2012. Cho đến nay, có khoảng 15 sinh viên cao học, gần 200 sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp Đại học ở Mông Cổ. Đồng thời, có hơn 200 sinh viên Mông Cổ đã tốt nghiệp Đại học và Học viện ở Việt Nam.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Tổng thống Mông Cổ Punsalmaagiin Ochirbat ký Tuyên bố chung, năm 1994. (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Ulan Bator được duy trì tốt trong những năm gần đây, hai bên duy trì trao đổi đoàn lãnh đạo thành phố và các hội, đoàn, tổ chức trực thuộc. Ngoài ra, hai bên có các cặp quan hệ hợp tác địa phương như tỉnh Tuv và tỉnh Hòa Bình, tỉnh Orkhon với tỉnh Đắk Lắk, quận Chingeltei của Ulan Bator và quận (nay là thành phố) Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội người Việt Nam tại Mông Cổ được lập ngày 7/2/2012 tại Ulan Bator, Ban Chấp hành Hội gồm 13 người (chủ yếu là cựu sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ). Hội luôn phát huy vai trò cầu nối, quy tụ, đoàn kết, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ yên tâm làm ăn sinh sống, tôn trọng pháp luật sở tại và hướng về quê hương đất nước. Hiện có khoảng 600 người Việt Nam đang sinh sống tại Mông Cổ.

Năm 2023, Việt Nam và Mông Cổ ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, khai thác tiềm năng du lịch, cũng như quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước. Theo Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam Galbaa Davkharbayar, trong những năm qua, lượng du khách Việt Nam đến thăm Mông Cổ và khách Mông Cổ đến với Việt Nam ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, song vẫn chưa thể hiện hết thế mạnh và tiềm năng to lớn về du lịch của cả hai bên.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm và tái bảo hiểm giữa Công ty Hanoi Re của Việt Nam và Công ty Amar Insurance của Mông Cổ, ngày 24/4/2024. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ)

Tại các diễn đàn khu vực và đa phương, hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau, nổi bật là các hoạt động tại Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), ASEAN (ARF), UNESCO, Hội nghị quốc tế Đối thoại Ulan Bator về an ninh khu vực Đông Bắc Á, Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)…

Trải qua chặng đường 70 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ vốn dựa trên tinh thần hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau đã không ngừng phát triển và với quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam cùng Mông Cổ sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Trải qua 70 năm, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ không ngừng được củng cố, ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Lịch sử quan hệ Việt Nam-Ireland bước sang chương mới

Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ireland phát triển tích cực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1996. Hai nước chuẩn bị tiến hành kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026, đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới.

Về chính trị, ngoại giao, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Về kinh tế, Ireland là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại thị trường EU, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,73 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024. Ireland hiện có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam. Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Ireland đầu tư nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư Ireland đã đầu tư vào 7/63 tỉnh thành của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh…

Việt Nam là một trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ireland. Từ năm 2007 đến 2020, Ireland đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng ngân sách hơn 180 triệu euro thông qua các Chiến lược quốc gia Ireland-Việt Nam giai đoạn 2007-2010 trị giá 85,5 triệu euro; giai đoạn 2011-2015 trị giá 55 triệu euro và giai đoạn 2017-2020 trị giá 40 triệu euro, với mục tiêu hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các xã nghèo ở Việt Nam.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, trong hai ngày 9-10/11/2016, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Phu nhân đã đến thăm tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác về giáo dục-đào tạo cũng ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực. Ngày 28/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ireland đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học. Trong những năm qua, Ireland đã cung cấp khoảng 250 suất học bổng cho Việt Nam thông qua: (i) Chương trình học bổng toàn phần Irish Aid được triển khai từ năm 2009, dành cho các ngành đào tạo thạc sĩ về quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế, marketing, quản lý dự án, kinh doanh quốc tế; (ii) Chương trình học bổng kỹ thuật Irish Aid triển khai từ năm 2013, chủ yếu dành cho các ngành đào tạo thạc sĩ về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật, dược, ngôn ngữ ứng dụng, từ năm 2016 thêm ngành khoa học xã hội.

Cộng đồng người Việt tại Ireland đến nay có gần 5.000 người, có những bước phát triển lớn mạnh cùng với những đóng góp và thành công nhất định ở sở tại; cũng như luôn hướng về quê hương, đất nước. Tại Ireland cũng hình thành mạng lưới trí thức, trực thuộc Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland, với các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, nghiên cứu sinh Việt Nam đang công tác và giảng dạy tại các trường đại học có uy tín. Đây là những cầu nối quan trọng, đóng góp thiết thực vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiêm nhiệm Ireland Đỗ Minh Hùng tại Dublin, Ireland gần đây, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins đánh giá: Việt Nam và Ireland còn nhiều tiềm năng củng cố và phát triển hợp tác trong cả quan hệ song phương và trên các diễn đàn quốc tế.

Tổng thống Ireland cũng đánh giá cao vai trò, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực, cũng như sự gắn kết và vai trò trung tâm của ASEAN đối với nhiều vấn đề quan trọng.

Việt Nam và Ireland còn nhiều tiềm năng củng cố và phát triển hợp tác trong cả quan hệ song phương và trên các diễn đàn quốc tế - Tổng thống Ireland Michael D. Higgins

Quan hệ Việt Nam-Pháp: Hơn nửa thế kỷ đồng hành, phát triển

Việt Nam và Pháp vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Nhìn lại hơn 50 năm qua, hai nước đã cùng bước trên chặng đường hợp tác có bề dày lịch sử, cùng vượt qua những thử thách của thời đại để xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tin cậy. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp được ký kết năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện tầm cao mới trong quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa hai nước, vì hòa bình và phát triển bền vững của cả hai nước.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển tích cực. Về chính trị-ngoại giao, hai nước thường xuyên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn. Hai bên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, Cộng đồng Pháp ngữ…

Hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ. Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại, nhà đầu tư và nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt 2,96 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.

Hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Pháp đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới… Hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khởi xướng từ đầu những năm 1990, hợp tác địa phương Việt-Pháp trở thành nét đặc thù trong quan hệ hai nước. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành của Việt Nam. Các dự án hợp tác tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững…

Đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện…

Cộng đồng người Việt Nam ở Pháp có khoảng hơn 300.000 người, là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất tại châu Âu, có đóng góp quan trọng đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có truyền thống lâu đời và gắn bó với đất nước.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Pháp cũng tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa giữa hai nước, đưa văn hóa Pháp và văn hóa Việt Nam hòa nhịp trong một dòng chảy vì sự phát triển chung. Đặc biệt, năm 2023 đã ghi đậm dấu ấn với hàng loạt sự kiện văn hóa sôi nổi, từ các buổi triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc truyền thống đến các tuần lễ ẩm thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Nổi bật trong chuỗi hoạt động sôi nổi này là sự kiện “Đêm văn hóa Việt Nam”, với rực rỡ sắc màu và âm thanh, diễn ra vào tháng 11/2023 tại Nhà hát Le Trianon, thủ đô Paris.

Với sợi dây liên kết về lịch sử, văn hóa, Việt Nam và Pháp đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách thăng trầm để thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/4/1973, và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 9/2013. Hiện nay, Việt Nam và Pháp đang thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, Pháp ngữ, hợp tác địa phương... Trong đó, hợp tác văn hóa là một điểm sáng, đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hợp tác du lịch - Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Tự hào là một thành viên của cộng đồng Pháp ngữ

Gia nhập cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1979, Việt Nam đã ghi dấu ấn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, luôn nỗ lực đóng góp tăng cường vị thế của cộng đồng này trên trường quốc tế.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất cho đến nay của cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á. Đây là Hội nghị quan trọng, hoàn tất quá trình phát triển về thể chế của cộng đồng Pháp ngữ với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Pháp ngữ, đồng thời cho ra đời ý tưởng Pháp ngữ kinh tế như một trụ cột hợp tác quan trọng trong không gian Pháp ngữ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 44 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) diễn ra ở Cameroon vào tháng 11/2023, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định, Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao vai trò của Pháp ngữ đối với những nỗ lực và hành động để cùng các nước thành viên tìm giải pháp đối với những cuộc khủng hoảng, thách thức hiện nay, đặc biệt là tình trạng mất ổn định, nghèo đói tại các nước Pháp ngữ châu Phi. Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng ủng hộ nỗ lực chung để đưa Pháp ngữ thành một không gian hòa bình và ổn định, dân chủ, an ninh, bảo đảm quyền con người và cùng thịnh vượng.

Hiện nay, với việc tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của cộng đồng Pháp ngữ, từ hoạch định chiến lược hợp tác đến thúc đẩy cải cách hành chính, Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ.

Sắc màu Việt Nam nổi bật trong Ngày hội Pháp ngữ ở Pháp, năm 2022. (Ảnh: Nhandan.vn)

Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại chính thức 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF, trong đó có 32 quốc gia tại khu vực châu Phi. Tính đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên của OIF đạt 16,8 tỷ USD, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2023.

Về phía các nước Pháp ngữ, nhiều nước coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Các nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội với Việt Nam.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của Việt Nam. Chuyến thăm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước đối tác, bạn bè truyền thống ở cả châu Á và châu Âu, cụ thể là Mông Cổ, Ireland và Pháp. Đồng thời, chuyến công tác nhấn mạnh sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, qua đó nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ghi đậm dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội

Tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93% là cố gắng lớn của chúng ta trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.Tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. Các chính sách về người có công, giảm nghèo bền vững dành cho người yếu thế đang được thực hiện một cách có hiệu quả.

Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế 'xin - cho', sách nhiễu

Phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát...

Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam...

Đưa quan hệ Việt Nam-Qatar bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Báo ASIAN Telegraph (Qatar) nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhà nước Qatar.

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên