Xây dựng nông thôn mới 2024 – Thách thức và động lực cho giai đoạn nước rút

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai đã đạt những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai tiếp tục duy trì mức độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là hai địa phương tiêu biểu trong việc giữ vững và phát triển các tiêu chí nông thôn mới, góp phần làm điểm sáng trong toàn tỉnh.

Đã có thêm 1 xã (xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa) đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 63/127 xã, chiếm 49,6%.

Tại các thôn, bản, việc nhân rộng mô hình nông thôn mới cũng đã đạt kết quả tích cực với 252 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 204 thôn kiểu mẫu. Những con số này minh chứng cho sự nỗ lực lớn trong công tác xây dựng và duy trì chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Điểm sáng trong phát triển du lịch nông thôn

Thời gian qua, du lịch Lào Cai đã nâng cao hiệu quả qua các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế, như chương trình hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc); chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM; chương trình hợp tác với vùng Nouvelle-Aquitaine (Cộng hòa Pháp). Cùng với đó, Lào Cai đang triển khai mới nhiều sản phẩm du lịch như Dự án xây dựng công trình điểm đến du lịch tiêu biểu thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai; thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai; thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tu bổ, tôn tạo dinh Hoàng A Tưởng, huyện Bắc Hà.

Du khách nước ngoài thăm quan bản làng tại Sa Pa.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn đã mang lại những bước tiến mới cho tỉnh Lào Cai. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 457 cơ sở homestay, tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát và Bảo Yên. Xã Tả Van, thị xã Sa Pa nổi tiếng là làng du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhiều gia đình kinh doanh homestay đang dần phát triển thành mô hình farmstay, tận dụng diện tích sản xuất nông nghiệp sẵn có cung cấp cho khách những trải nghiệm khó quên. Y Tý (Bát Xát) và Nghĩa Đô (Bảo Yên) cũng là nhưng điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Mô hình du lịch homestay, farmstay đang tạo nên những lợi ích kép, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân bản địa mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn và phát triển môi trường bền vững.

Mô hình homestay tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch đến Lào Cai tăng mạnh. Tổng lượng khách đến Lào Cai đạt trên trên 6,3 triệu lượt khách bằng 74% kế hoạch, tăng 4,59% cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 20.950 tỷ đồng, bằng 77% KH, tăng 12,86% cùng kỳ. 

OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương

Lào Cai đã phát huy các nguồn lực để thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Lào Cai”. Tập  trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều  kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm của các làng nghề, nghề truyền  thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 240 sản phẩm được công nhận đạt từ 03 sao trở lên.

Tính đến tháng 9/2024, Lào Cai đã có 205 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 195 sản phẩm đạt 3 sao. Những sản phẩm này đã được quảng bá rộng rãi qua các sự kiện thương mại và các hội chợ, không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, giúp gia tăng giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có 08 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Có 86% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại; 98% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Các sản phẩm OCOP đã giúp gia tăng giá trị nông sản địa phương, đồng thời mở rộng thị trường thông qua các sự kiện quảng bá và thương mại trên khắp cả nước.

Chạy đua với thời gian

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng tỉnh Lào Cai vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới 3 tháng cuối năm. Đặc biệt, tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới còn chậm, với việc duy trì các tiêu chí đạt chuẩn ở nhiều xã gặp khó khăn. Hiện tại, chỉ có 10/63 xã duy trì được đầy đủ 19/19 tiêu chí.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, khi tính đến ngày 30/9/2024, chỉ có 39,03% nguồn vốn trung ương trực tiếp hỗ trợ chương trình được giải ngân. Cùng với đó, việc hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như giao thông và trường học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ trong giai đoạn cuối năm.

Phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" là một trong những công cụ quan trọng để Lào Cai thúc đẩy các địa phương nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trong 9 tháng đầu năm, gần  144.000 ngày công lao động và hơn 100.900 m² đất đã được người dân hiến tặng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đây là minh chứng cho sự chung tay, đoàn kết và đồng lòng của toàn dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm đã cho thấy Lào Cai đang đi đúng hướng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu năm 2024, tỉnh cần tập trung giải quyết các thách thức còn tồn tại, đặc biệt là việc duy trì các tiêu chí đạt chuẩn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Sự đoàn kết của người dân, kết hợp với sự lãnh đạo sát sao từ các cấp chính quyền, sẽ là động lực mạnh mẽ giúp Lào Cai vượt qua khó khăn để về đích trong xây dựng nông thôn mới 2024./.

Thu Hiền

Tin Liên Quan

[Infographic] Một số kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI về công tác cán bộ nữ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, đề án và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Dưới đây là một số kết quả từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay về công tác cán...

3 sản phẩm trà của Lào Cai được trao giải tại cuộc thi "Trà thế giới"

Tỉnh Lào Cai có 3 sản phẩm trà chế biến từ nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ núi Hoàng Liên Sơn - thị xã Sa Pa vừa được nhận giải thưởng cuộc thi "Trà thế giới" AVPA Paris 2024.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc chú trọng thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo trật tự xã hội, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch...

Hỗ trợ người dân và học sinh bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Ngày 04/11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai phối hợp với Đoàn Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An tổ chức chương trình hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng về người và tài sản do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng.

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.