Giải phóng Thủ đô (10/10): Mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến

Ngày 10/10/1954 - Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Giải phóng Thủ đô (10/10): Mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến- Ảnh 1.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Ảnh tư liệu

Mốc son rực rỡ

Kể từ "Chiếu dời đô" của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long-Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ.

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long-Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Từ thân phận nô lệ nhân dân Việt Nam đã thực sự trở thành người làm chủ đất nước. Nhưng thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 đã gây hấn tại Nam Bộ, rồi phát động chiến tranh ra cả nước.

Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", cùng với nhân dân cả nước, quân và dân Hà Nội với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt cuối năm 1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc một cách oanh liệt và quả cảm nhất, kìm chân hiệu quả và làm tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta an toàn rút ra khỏi Hà Nội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao phó.

Trong 9 năm kháng chiến, mặc dù trong lòng địch nhưng quân và dân Thủ đô Hà Nội vừa trực tiếp đánh địch bằng nhiều hình thức, vừa tích cực chi viện, chia lửa cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Genève (ngày 21/7/1954) về đình chỉ, chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Đúng 16h ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút sang phía bắc cầu Long Biên; 16h30', quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội; tiếp quản Thành phố an toàn và trật tự.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, với niềm hân hoan tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.

Đến 15h cùng ngày, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội cùng với các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề, tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp quản an toàn và nhanh gọn toàn bộ Thành phố. Sinh hoạt của người dân Hà Nội vẫn giữ được bình thường và ổn định.

Ngày 10/10/1954, ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Giải phóng Thủ đô (10/10): Mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến- Ảnh 2.

Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương - Ảnh: VGP

Làm nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không"

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hà Nội đã lãnh đạo các cấp, các ngành cùng nhân dân cả nước đoàn kết, nỗ lực chung tay khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn; khắc phục những hậu quả của chế độ thực dân để lại; tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cùng nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước tạm thời bị chia cắt, Hà Nội và miền Bắc thường xuyên bị đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt. Song, nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, ở những thời khắc cam go nhất vẫn một lòng, một dạ, sắt son một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; nỗ lực vượt qua bao khó khăn, vượt lên mọi đau thương mất mát, thi đua lao động sản xuất, tạo dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, chung sức với nhân dân miền Bắc xây dựng hậu phương lớn, làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng quân xâm lược.

Với âm mưu lật ngược thế cờ tại bàn đàm phán ở Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam, cuối tháng 12 năm 1972 đế quốc Mỹ đã mở chiến dịch dùng "pháo đài bay B.52" để hủy diệt Hà Nội và miền Bắc.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo tài tình của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam mà nòng cốt là lực lượng phòng không-không quân cùng với quân dân Thủ đô Hà Nội và một số địa phương miền Bắc đã bình tĩnh, tự tin, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ bằng cuộc chiến đấu ác liệt 12 ngày đêm vào cuối tháng 12 năm 1972, làm nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không" được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế ngợi ca.

Chiến công đặc biệt xuất sắc này đã góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước; tạo bước chuyển chiến lược quyết định để quân và dân ta xốc tới, tổ chức Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Giải phóng Thủ đô (10/10): Mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến- Ảnh 3.

Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước - Ảnh: VGP

Hà Nội không ngừng lớn mạnh

Trong suốt 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ 17; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/05/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Dịch COVID-19, Song với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. 16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi "mặt trận" đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Từ năm 2021 đến năm 2023, kinh tế thủ đô đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Riêng năm 2023, Thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 8 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm, tăng 18,2% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá, toàn Thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ...

Song song với đó, sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. Quốc phòng-an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân

Cách đây 25 năm, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức văn hoá giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hoà bình". Tháng 10/2019, UNESCO tiếp tục ghi danh Hà Nội -Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia mạng lưới "Thành phố sáng tạo" toàn cầu.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp to lớn trong 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và các danh hiệu: "Thủ đô Anh hùng", "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục vươn lên, hoàn thành trọng trách với Đảng với dân tộc.

Giải phóng Thủ đô (10/10): Mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến (chinhphu.vn)

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội

Tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93% là cố gắng lớn của chúng ta trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.Tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. Các chính sách về người có công, giảm nghèo bền vững dành cho người yếu thế đang được thực hiện một cách có hiệu quả.

Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế 'xin - cho', sách nhiễu

Phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát...

Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam...

Đưa quan hệ Việt Nam-Qatar bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Báo ASIAN Telegraph (Qatar) nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhà nước Qatar.

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên