Thị trường lao động Đông Nam Á: Văn phòng không còn là “nơi làm việc”, mà là “không gian kết nối”

Sự kết hợp giữa các xu hướng làm việc mới sẽ thay đổi định nghĩa về văn phòng làm việc: Văn phòng trong tương lai không còn là nơi làm việc 5 ngày/ tuần, mà sẽ là không gian để kết nối và hợp tác làm việc, để thúc đẩy năng lực của toàn bộ đội ngũ.

Ông Puneet Swani, nguyên Giám đốc cấp cao của Mercer trình bày tại hội thảo The Makeover 2024 tại TP Hồ Chí Minh ngày 15/10.

Ông Puneet Swani, nguyên Giám đốc cấp cao của Mercer trình bày tại hội thảo The Makeover 2024 tại TP Hồ Chí Minh ngày 15/10.

Đây là nhận định được ông Puneet Swani, nguyên Giám đốc cấp cao của Mercer (tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên về tư vấn và đào tạo nhân sự) đưa ra khi phát biểu tại hội thảo The Makeover 2024 do Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 15/10.

Mở đầu bài trình bày “Thị trường lao động Đông Nam Á - Giải mã xu hướng làm việc mới”, ông Puneet Swani cho biết, Đông Nam Á được đánh giá là một trong những nguồn lực lao động năng động nhất thế giới và cũng là khu vực có sự chuyển đổi nhanh chóng về các phương thức làm việc mới.

Theo vị chuyên gia này, những yếu tố và xu hướng giúp chúng ta thành công trong quá khứ sẽ không bảo đảm giúp chúng ta thành công trong tương lai.

Ông đề cập tới 6 xu hướng đang định hình phương thức làm việc mới có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc thúc đẩy sức sáng tạo của người lao động.

Trước hết, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo cơ hội việc làm, không làm giảm bớt chúng. “Đến năm 2025, AI sẽ loại bỏ 85 triệu công việc, nhưng sẽ tạo ra 97 triệu công việc mới. Lực lượng lao động sẽ cần thích nghi để sử dụng AI hiệu quả, kết hợp giữa kỹ năng công nghệ và khả năng tư duy sáng tạo”, ông Puneet Swani nói.

Xu hướng tiếp mà ông chỉ ra là kỹ năng vượt qua bằng cấp. Theo đó, nhiều tổ chức đang thay đổi quan điểm từ yêu cầu bằng cấp sang tập trung vào tuyển dụng dựa trên kỹ năng, khi nhận ra rằng những người có kỹ năng phù hợp có thể đóng góp ngay lập tức mà không cần đến bằng cấp truyền thống.

Bên cạnh đó, DEI (đa dạng, công bằng và hòa nhập) sẽ trở thành phương thức làm việc. “Các công ty đang dịch chuyển sang việc tích hợp DEI vào toàn bộ tổ chức như mục tiêu kinh doanh, hoạt động hàng ngày và văn hóa tổ chức, giúp thúc đẩy sự hòa nhập và phát triển bền vững”, cựu chuyên gia tại Mercer cho hay.

Một xu hướng khác, cũng theo ông Puneet Swani, đó là: giải quyết xung đột giữa nhân viên là kỹ năng bắt buộc mới cho các nhà quản lý. Ông nhận định, căng thẳng địa chính trị, đình công, biến đổi khí hậu và mâu thuẫn giữa các thế hệ lao động, môi trường làm việc đang đối mặt với quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn thúc đẩy xung đột gia tăng tại công sở. Vì vậy, các nhà quản lý cần trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả để duy trì sự hài hòa trong môi trường làm việc.

Ngoài ra, tuần làm việc 4 ngày sẽ trở thành xu hướng thông dụng khi mà ngày càng nhiều tổ chức nhận ra “lực hút” của tuần làm việc 4 ngày trong việc giữ chân nhân viên. Điều này không chỉ giúp cải thiện sự gắn kết và hiệu suất làm việc, tạo điều kiện để người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Xu hướng thứ 6 được ông Puneet Swani đề cập là: Định kiến nghề nghiệp sụp đổ khi lực lượng lao động thay đổi. Cụ thể, nhiều nhân viên tìm kiếm các mô hình làm việc phi truyền thống, chuyển đổi ngành nghề hoặc theo đuổi công việc tự do (gig work). Các tổ chức cần thích nghi bằng cách cung cấp sự linh hoạt trong công việc, phá vỡ khuôn mẫu nghề nghiệp tuyến tính và tạo điều kiện cho nhân viên được đào tạo chéo trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo cựu chuyên gia của Mercer, sự kết hợp giữa các xu hướng làm việc mới sẽ thay đổi định nghĩa về văn phòng làm việc: “Văn phòng không còn là nơi làm việc 5 ngày/ tuần. Văn phòng làm việc trong tương lai sẽ là không gian để kết nối và hợp tác làm việc, để thúc đẩy năng lực của toàn bộ đội ngũ”.

https://nhandan.vn/thi-truong-lao-dong-dong-nam-a-van-phong-khong-con-la-noi-lam-viec-ma-la-khong-gian-ket-noi-post836996.html

Văn Toản (Theo Báo Nhân dân)

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...