Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

Với các làng nghề mang tính đại trà (dệt vải của người Tày, Thái, làm giấy của người Dao, người Mông) chỉ được tính là nghề phụ làm trong thời điểm nông nhàn hoặc sau thu hoạch. Các sản phẩm của nghề thủ công chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp. Một số nghề có sản phẩm được trao đổi tại chợ phiên thì số lượng không nhiều, đủ đáp ứng nhu cầu cư dân trong vùng. Như vậy, ở Lào Cai chưa có làng nghề thủ công sản xuất theo tính hàng hóa, bởi theo tiêu chí làng nghề phải có ít nhất 20% hộ kinh doanh nghề.

Gần đây, ở một số địa phương trong tỉnh, các nghề thủ công được khôi phục và phát triển, như chạm khắc bạc, dệt vải, thêu thổ cẩm, làm nhạc cụ của người Mông, người Dao ở Sa Pa. Phát triển nghề thủ công gắn với du lịch đã tạo thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông du khách như ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa), xã Bản Phố (huyện Bắc Hà)… Du khách không chỉ mua sản phẩm nghề thủ công mà được trải nghiệm, tham gia sản xuất cùng với người dân, tham quan quy trình tạo ra sản phẩm của nghệ nhân. Khảo sát các câu lạc bộ thổ cẩm tại thị xã Sa Pa cho thấy, thành viên tham gia câu lạc bộ vẫn coi sản xuất thổ cẩm là nghề phụ. Mỗi gia đình có từ một đến hai người tham gia, chỉ làm sản phẩm theo đơn đặt hàng và theo mùa vụ nông nhàn, họ chưa sản xuất theo tính chất hàng hóa.

Ở Lào Cai, các nghề thủ công được khôi phục và phát triển, phục vụ nhu cầu đồ lưu niệm, quà tặng của khách du lịch; dịch vụ trải nghiệm, tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng; sử dụng các sản phẩm của làng nghề: mặc trang phục dân tộc, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm, chế tác trang sức... Tuy nhiên, sản phẩm nghề thủ công của đồng bào thiểu số ở Lào Cai chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, phục vụ du khách chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Hiện tại, sức hút của làng nghề đối với du khách hấp dẫn hay không chủ yếu nhờ ở các sản phẩm trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm kéo dài thời gian lưu trú của du khách; tạo điều kiện cho du khách sử dụng các dịch vụ: thưởng thức ẩm thực, đi lại, xem văn nghệ...

Do vậy, đối với tỉnh Lào Cai, cần quy hoạch, xây dựng mô hình du lịch làng nghề phát triển bền vững trên cơ sở tạo sinh kế cho người dân địa phương. Coi trọng vốn văn hóa của từng tộc người với làng nghề (bí quyết, trình độ kỹ thuật, tri thức bảo tồn nghề...). Mỗi tộc người có di sản làng nghề riêng như người Dao, Tày có nghề thêu dệt thổ cẩm; người Dao, Mông có nghề chạm khắc bạc, nghề rèn đúc... Đây là những nghề kết tinh vốn văn hóa của cả tộc người trong truyền thống. Các làng nghề đều có đội ngũ nghệ nhân giàu kinh nghiệm.

Phát triển du lịch làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi phải có sự liên kết các điểm du lịch, phát triển theo hướng bền vững. Quy hoạch, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch, lựa chọn các làng nghề cùng một tuyến du lịch hoặc trong cùng một vùng phát triển du lịch. Chú trọng khai thác tài nguyên du lịch khác như cảnh đẹp tự nhiên, di sản văn hóa, vừa có sản phẩm nghề truyền thống, vừa có điểm tham quan trải nghiệm (chợ phiên).

Do vậy, để phát triển du lịch làng nghề tại Lào Cai, cần căn cứ tài nguyên du lịch nhân văn, tài nguyên du lịch tự nhiên để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, lựa chọn các di sản nghề làm điểm nhấn, khai thác di sản văn hóa dân gian (lễ hội, phong tục, ẩm thực...) tạo thành các sản phẩm bổ trợ. Ví dụ, chương trình “Hành trình về làng nghề” sử dụng các chất liệu từ nghi lễ thờ cúng tổ nghề, xây dựng thành sản phẩm du lịch. Hoặc bổ sung trải nghiệm khám phá tri thức dân gian cùng sản phẩm đặc sản của địa phương. Các chương trình du lịch cần gắn với việc khai thác di sản nghề thủ công, ẩm thực, tri thức dân gian trong sinh hoạt đời thường, tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù.

Linh hồn của các sản phẩm du lịch làng nghề là các bài thuyết minh của hướng dẫn viên, tài liệu giới thiệu quy trình nghề thủ công, các địa danh, đặc trưng ẩm thực, vật liệu liên quan... Vì vậy, cần xây dựng bộ tài liệu làm cẩm nang hướng dẫn viên du lịch làng nghề, nhằm cung cấp kiến thức chuẩn, khoa học cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên ở địa phương về nghề thủ công. Cần có giải pháp liên kết phát triển du lịch theo hướng văn hóa làng nghề gắn với di tích. Các yếu tố văn hóa sẽ bổ sung cho sản phẩm du lịch làng nghề và tạo thành tour du lịch liên thông.

Như vậy, cần định hướng đúng trong phát triển du lịch làng nghề tại Lào Cai, để vượt qua cái bóng “na ná” của du lịch cả nước. Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề đòi hỏi phải có giải pháp mang tính chất tổng thể, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân dân gian với doanh nghiệp du lịch.

https://baolaocai.vn/dinh-huong-phat-trien-du-lich-lang-nghe-post392452.html

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn/Báo Lào Cai điện tử

Tin Liên Quan

Chinh phục “ngưu vương” Tây Bắc

Nhìu Cồ San là đỉnh núi cao thứ 8 của Việt Nam, hấp dẫn nhiều người khao khát chinh phục bởi địa hình và thảm thực vật thay đổi rõ rệt theo độ cao. Tuy nhiên để lên được tới đỉnh ngọn núi này là điều không đơn giản.

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...