Triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAN vào Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ASEAN.
Ảnh minh họa. Nguồn: petrotimes.vn |
Thứ nhất, lực lượng lao động trẻ dồi dào và năng động. Cùng với Ấn Độ, Việt Nam được đánh giá là xã hội trẻ và năng động. Lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi chiếm hơn 65% dân số; một phần tư dân số có độ tuổi dưới 14 (độ tuổi trung bình là 27 tuổi) với tỷ lệ biết chữ lên tới trên 94% dân số. Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện đang nổi lên xu thế các công ty dịch chuyển sản xuất tới các quốc gia đang phát triển nhằm cắt giảm chi phí đầu vào, cắt giảm rủi ro trong chuỗi phân phối. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội tiếp tục thu hút những dự án đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực chế tạo sử dụng nhiều nhân công lao động.
Thứ hai, giá nhân công lao động ở Việt Nam rẻ hơn so với các quốc gia trong khu vực. Các nhà đầu tư ASEAN quan tâm đến Việt Nam như là một thị trường có thể giúp họ giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát giá lao động ở Việt Nam rẻ chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan và rẻ hơn khoảng 1/3 so với giá lao động ở Malaysia. Trong khi giá nhân công đơn giản của Trung Quốc khoảng 300 USD/tháng thì giá nhân công của Việt Nam chỉ bằng một nửa, tức là khoảng 150 USD/tháng. Đây chính là lý do cơ bản để các công ty điện tử nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như công ty Exp Power, nhà sản xuất linh kiện điện tử của Anh quyết định đầu tư vào Việt Nam (thay vì vào Trung Quốc). Mặc dù, công ty Exp Power sẽ phải đối mặt với việc lao động và cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng ở Việt Nam như: thường mất điện, cảng biển chưa phát triển. Tuy nhiên, các công ty sản xuất hàng điện tử và công nghệ thông tin cỡ lớn thế giới như: Intel, Samsung và Nokia đã có ở Việt Nam. Điều này giúp Exp Power tin tưởng tương lai đầu tư vào Việt Nam. Thêm nữa, do tỷ lệ tăng lương nhân công ở Trung Quốc trung bình hàng năm là 2% và tỷ lệ tăng lương cho những nhà quản lý giàu kinh nghiệm lên tới 100% sau mỗi năm khiến các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia với mức chi phí sản xuất thấp, hiệu quả cao, là công xưởng đồ may mặc, giày dép, thủy sản, dầu, cao su, thép và các sản phẩm công nghệ cao.
So với Malaysia, chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn khoảng 30%. Ví dụ, chi phí lao động tại Malaysia cao do phải nhập khẩu lao động từ các nước khác. Nếu các nhà đầu tư Malaysia sang Việt Nam thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thì chi phí lao động sẽ giảm đi khá nhiều do họ sẽ không phải trả chi phí cho việc nhập khẩu lao động. Bên cạnh đó, việc quản lý cộng đồng lao động đến từ nhiều quốc gia trong một doanh nghiệp tại Malaysia cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Khi đầu tư tại Việt Nam, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn do chỉ có một cộng đồng lao động;
Thứ ba, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực. Với dân số gần 90 triệu người và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam những năm gần đây (đặc biệt sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO năm 2007) đã giúp sức mua của người dân Việt Nam tăng lên nhanh. Việc Việt Nam gia nhập WTO chính là những cơ sở, tiền đề làm cho các nhà đầu tư ASEAN cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ASEAN thường sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia như Panasonic, Intel... Khi các tập đoàn này có các nhà máy tại Việt Nam, ASEAN đầu tư sang Việt Nam, thành lập các nhà máy vì họ đã biết cách thức cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn này nên sẽ có những lợi thế trong quan hệ hợp tác và cung cấp sản phẩm tại Việt Nam. Các nhà đầu tư ASEAN quan tâm đến thị trường Việt Nam vì họ có thể sản xuất và bán sản phẩm hàng hoá ngay tại thị trường có “sức mua nội địa” đang ngày càng tăng.
Thứ tư, Việt Nam có một vị trí địa chiến lược và nền kinh tế đang dần tự do hóa ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có những lợi thế về vị trí địa lý để phát triển lĩnh vực hậu cần vận tải, trung chuyển hàng hóa, có thể vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tới Trung Quốc và các nước khác trong khối ASEAN. Đối với các nhà đầu tư Singapore thì môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự hấp dẫn và những lợi thế cạnh tranh riêng. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Singapore đã ký hiệp định khung (năm 2005) về kết nối kinh tế trong các lĩnh vực: tài chính; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; công nghệ thông tin; đầu tư - thương mại. Mặc dù tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, nhưng do Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh, nên đây chính là cơ hội không thể bỏ qua của các doanh nghiệp Thái Lan. Các lĩnh vực thu hút sự quan tâm của Thái Lan là dệt may, hóa chất, công nghiệp sản xuất, đồ dùng nhựa, thực phẩm… Hơn nữa, với tầm nhìn dài hạn của nhà đầu tư, Việt Nam không chỉ là một quốc gia riêng lẻ mà là điểm trung chuyển hàng hóa từ các nước ASEAN ra thế giới. Hệ thống cảng biển lớn với số lượng hàng hóa thông qua cảng tại riêng thành phố Hồ Chí Minh đã là 68,5 triệu tấn/năm. Đầu tư ở Việt Nam có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển lâu dài.
Cơ hội kết nối đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là vô cùng lớn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư lớn tại nhiều điểm đến, trong đó bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN. Quỹ đầu tư ASEAN Fund lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam, Malaysia và Philippines. Quỹ ASEAN Fund sẽ đầu tư vào một danh mục tài sản gồm khu vực kinh doanh trung tâm, văn phòng ở ngoại ô, các phương tiện vật chất liên quan đến công nghệ cũng như lĩnh vực khoa học, công nghệ sinh học và những tài sản có liên quan đến công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư ASEAN, Việt Nam cần phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp rõ ràng hơn, nhất là các quy định, hướng dẫn thi hành luật ở Việt Nam còn quá phức tạp với nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải có các biện pháp để giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hiểu và thực hiện luật khi đến Việt Nam và thúc đẩy việc phát triển lao động tay nghề cao để đón nhận dòng đầu tư công nghiệp ngày càng nhiều trong tương lai gần.
Để có thể thu hút được nhiều dòng vốn FDI chất lượng hơn trong tương lai, Việt Nam cần phải có những chính sách linh hoạt và dài hạn hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời phải xây dựng nhiều bộ luật mới như Luật Phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử… một cách rõ ràng, minh bạch để tạo niềm tin thu hút các nhà đầu tư không chỉ từ khu vực ASEAN mà cả nguồn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển./.