Hoạt động ngoại giao sôi động ngay từ đầu năm 2013
Năm 2013 được dự báo là năm sôi động của ngoại giao Việt Nam với nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động diễn ra sôi động ngay từ tháng đầu năm.Trong tháng 1, Việt Nam đã đón 5 đoàn ngoại giao từ cấp Thứ trưởng trở lên, trong đó có 3 đoàn cấp nguyên thủ thăm chính thức: Phó Tổng thống Ấn Độ Mohammad Hamid Ansari thăm từ ngày 14-17/1; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (16-17/1) và Tổng thống Argentina Cristina Elisabet Fernández de Kirchner (18-21/1).
Đón chào khách quý
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một hoạt động ngoại giao được thế giới chú ý theo dõi là việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông tới thăm chính thức sau khi tái nhậm chức. Trong một tuyên bố ngắn cho báo chí trước chuyến thăm, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: "Đối với Nhật, Việt Nam là một đối tác quan trọng" và khẳng định "hai nước chúng ta cùng chia sẻ những thử thách giống nhau, trong lúc hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau".
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, với tổng cộng 1.800 dự án có tổng số vốn 29 tỷ USD. Nhật cũng là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua, cung cấp 20 tỷ USD vốn vay lãi suất thấp cho các dự án cơ sở hạ tầng. |
Thủ tướng Shinzo Abe cũng chính thức thông báo sẽ cung cấp khoản vốn vay ODA mới trị giá 500 triệu USD cho các dự án hạ tầng cơ sở; cam kết sẽ tiếp tục hợp tác trong việc hoạch định và triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã cùng tuyên bố khai mạc “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013” và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ở mỗi nước.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Ấn Độ Mohammad Hamid Ansari nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Trong buổi hội đàm giữa Phó Tổng thống Mohammad Hamid Ansari và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, hai bên đã nhất trí tổ chức thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy hợp tác giữa các đảng chính trị và giao lưu giữa các tổ chức hội đoàn và nhân dân hai nước; thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký kết trong đó có Chương trình Hành động 2011-2013; thúc đẩy sớm thành lập các cơ chế hợp tác song phương mới như Ủy ban hỗn hợp về Thương mại, Đối thoại An ninh. Đặc biệt, hai nước đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015.
Nhân chuyến thăm này, hai nước đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác mới, gồm Chương trình Hành động giai đoạn tiếp theo, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định bổ sung Hiệp định hàng không 1993, và Hiệp định Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Vị lãnh đạo thứ ba tới thăm Việt Nam trong tháng 1 là Tổng thống Argentina Cristina Elisabet Fernández de Kirchner. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai ở cấp Nguyên thủ Argentina, sau chuyến thăm của Tổng thống Carlos Menem năm 1997.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Argentina. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tổng thống Cristina Elisabet Fernández de Kirchner đã hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để trao đổi và nhất trí nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thực chất quan hệ hợp tác song phương, trong đó tăng cường hoạt động và phát huy hiệu quả các cơ chế Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ và tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, triển khai hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, năng lượng, viễn thông, dầu khí, văn hóa, nhân chủng học pháp y...
Tổng thống Argentina cũng đã có các buổi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thăm và làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Argentina.
Ngoài ra, cuối tháng 1, Việt Nam cũng đã đón Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Phần Lan Heidi Hautala (22-26/1) và Thứ trưởng quốc phòng Anh quốc, Thượng nghị sĩ, Huân tước Lord Astor của xứ Hever (26-30/1) tới thăm và làm việc với các Bộ ngành và địa phương của Việt Nam.
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Phần Lan Heidi Hautala đã có các buổi gặp gỡ và trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về các vấn đề liên quan đến các chính sách phát triển hiện tại, biến đổi khí hậu, và quản lý các nguồn tài nguyên và môi trường; dự lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Phần Lan và Việt Nam do Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tổ chức vào tối 24/01.
Đặc biệt, bà Heidi đã tới thăm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế là những địa phương có nhiều dự án được phía Phần Lan tài trợ như dự án "Năng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và tăng cường hòa nhập cho người khuyết tật" do tổ chức phi chính phủ Fida International Ry tài trợ cho Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng; chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông thôn ở huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà; dự án phát triển hệ thống thông tin quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp (FORRMIS) nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến bảo vệ rừng và sinh kế cho người dân ở vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã; dự án xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế ở huyện Quảng Điền.
Chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Lord Astor nhằm đẩy mạnh quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai bên, dựa trên cơ sở Bản ghi nhớ mà quan chức quốc phòng hai bên đã ký kết năm 11/2011 ở London bao gồm ba nội dung chính: nghiên cứu chiến lược quốc phòng, hợp tác quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thủy đạc giữa Văn phòng Thủy đạc Anh và Hải quân Việt Nam |
Qua các buổi làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo quốc phòng hai nước đã trao đổi về nhiều chủ đề hợp tác quốc phòng trực tiếp giữa nước cũng như ở tầm vóc quốc tế như hợp tác công nghiệp quốc phòng, thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng Quốc phòng, thiết lập văn phòng tùy viên quân sự tại mỗi nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, hợp tác, chống phổ biến vũ khí, an ninh mạng. Nhân dịp này, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thủy đạc giữa Văn phòng Thủy đạc Anh và Hải quân Việt Nam.
Siết chặt tay bạn bè
Trong tháng 1, lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện hai chuyến thăm và làm việc tới các nước khác là chuyến thăm châu Âu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Chuyến thăm châu Âu kéo dài 1 tuần (17-24/1) tới Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU), Cộng hoà Italia và Vương quốc Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam đầu năm 2013 bởi trong năm 2013, Việt Nam và nhiều nước châu Âu sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Điểm đáng lưu ý là các chuyến thăm của Tổng Bí thư đều được thực hiện với tư cách nguyên thủ quốc gia.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng gặp Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso tại Trụ sở Ủy ban châu Âu, chiều 17/1 -Ảnh: TTXVN |
Trong chuyến thăm chính thức Liên minh châu Âu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso. Hai bên thống nhất tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp; đẩy nhanh quá trình phê chuẩn để Hiệp định đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) sớm có hiệu lực và sớm triển khai các nội dung hợp tác về phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khuôn khổ PCA; thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam-EU; thiết lập cơ chế Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. EU cam kết tăng nguồn viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 cũng như sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam.
Tới thăm Vương quốc Bỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Thái tử Philippe và tiến hành hội đàm với Thủ tướng Elio Di Rupo. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cảng biển và dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, công nghệ cao, công nghệ hàng không - vũ trụ, công nghiệp nặng, y tế... Hai bên nhấn mạnh, hợp tác giáo dục - đào tạo là một điểm sáng trong quan hệ song phương với ưu tiên đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, địa chất, môi trường… Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa các vùng của Bỉ với các địa phương của Việt Nam. Nhân dịp này, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ về việc Bỉ hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và Biên bản ghi nhớ về việc Bỉ tham gia xây dựng cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Giorgio Napolitano tại cuộc họp báo sau hội đàm chính thức, ngày 21/1 - Ảnh: vov.vn |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm cấp Nhà nước Cộng hoà Italia theo lời mời của Tổng thống Giorgio Napolitano. Ngoài việc trao đổi và nhất trí về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế-thương mại, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường..., lãnh đạo cấp cao hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam-Italia thành đối tác chiến lược. Một loạt văn bản hợp tác giữa hai nước đã được ký kết trong dịp này: Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italia; Bản ghi nhớ về dự án Ngôi nhà Italia; Chương trình hành động về hợp tác giáo dục giữa hai chính phủ giai đoạn 2013-2016; Ý định thư về thành lập Trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc Italia-Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa hai bộ Quốc phòng; Bản ghi nhớ về hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; và Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Italia.
Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh theo lời mời của Thủ tướng David Cameron, Tổng Bí thư đã có một loạt hoạt động đáng chú ý như: chứng kiến một phiên làm việc của Quốc hội Anh, hội kiến Hoàng tử xứ Wales (Thái tử Charles) tại dinh thự Clarence Hous...
Đặc biệt, trong buổi hội đàm với Thủ tướng David Cameron, lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, nhất là đào tạo đại học, sau đại học; đẩy nhanh kim ngạch thương mại hai chiều; khuyến khích các trường đại học tăng thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Nhân dịp này, hai nước đã ký kết các văn kiện: Bản ghi nhớ về trao đổi thông tin xuất nhập cảnh giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Biên giới của Vương quốc Anh; Kế hoạch hành động Việt Nam-Anh 2013; Thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh về thành lập nhóm công tác song phương về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng; và Bản ghi nhớ về thành lập trường đại học Việt-Anh tại Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Tổng thống Ấn Độ Mohammad Hamid Ansari - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Trong những ngày đầu năm mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã sang thăm Ấn Độ từ ngày 7-10/1, gặp gỡ Phó Tổng thống Ấn Độ Mohammad Hamid Ansari, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Salman Khurshid, tiếp Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P. Chidambaram và dự Lễ bế mạc Năm Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao; thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký kết; duy trì các cơ chế hợp tác sẵn có trong năm 2013; sớm thành lập Ủy ban hỗn hợp về Thương mại; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, văn hóa, giáo dục, tài chính và giao lưu nhân dân. Ấn Độ khẳng định sẽ xem xét để tăng các khoản tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam và tăng các suất học bổng dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh ngành Tài chính của Việt Nam.