Phong tục đón Tết ở một số nước Đông Nam Á
Tục té nước xuất hiện trong ngày lễ đón năm mới tại nhiều nước Đông Nam Á. |
Tết ở Lào
Tết ở Lào còn gọi là “Bunpimay” có nghĩa là đón mừng năm mới, hay”Bunhot nam” là ngày té nước, được tổ chức vào ngày 14/4 dương lịch hằng năm. Buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, mọi người dân trên khắp đất nước Lào tổ chức đi chùa, tắm Phật. Sau đó, họ tổ chức đi chúc Tết lẫn nhau và mang theo một chiếc bình đựng đầy nước. Theo tục lệ, người được chúc phải đứng để người đến chúc té nước vào người. Ai bị ướt nhiều thì nhiều may mắn hạnh phúc sẽ đến với họ trong năm mới.
Cũng trong dịp này, khách đến chúc Tết được gia chủ mời vào nhà và được buộc một vòng chỉ đỏ nơi cổ tay, biểu lộ lòng hiếu khách và lời cầu chúc một năm mới tốt lành.
Tết cổ truyền của người Campuchia
Tết cổ truyền của người Campuchia còn gọi là tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày từ 13 - 15/4 dương lịch hằng năm. Trong những ngày này, người dân Campuchia thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng cầu may như: Làm mâm cơm dâng cúng phật, sư sãi và tổ chức lễ tắm tượng Phật; đắp những núi cát nhỏ trên sân chùa. Sau những lễ nghi trên, họ mới đến chúc tết cha mẹ, người thân, bạn bè. Thay cho lời chúc mừng đầu năm, người dân chào đón năm mới với nghi thức dội nước lên người nhau với quan niệm: Người nào được té nhiều nước thì càng thêm nhiều niềm vui, may mắn trong năm.
Tết tại Campuchia còn diễn ra nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi như: đua ghe ngo, ca hát và múa những điệu múa cổ truyền…
Tết ở Thái Lan
Tết ở Thái Lan còn gọi là lễ hội Song kran diễn ra trong 3 ngày từ 13 - 15/4 dương lịch hằng năm. Cũng giống như Lào, Campuchia, Tết ở Thái Lan cũng có nghi thức lên chùa thực hiện lễ tắm Phật. Sau đó, mọi người chào mừng năm mới bằng hội té nước vào người nhau để cầu chúc những điều may mắn trong năm mới. Trong gia đình, mọi thành viên sum họp, bày tỏ lòng kính trọng đối với người lớn tuổi bằng cách chấm vài giọt nước vào lòng bàn tay của ông bà, cha mẹ...
Trong dịp Tết, nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức như: Thi sắc đẹp, nấu các món ăn truyền thống, thời trang nhiều màu sắc... Đặc biệt là tục chơi đánh cờ người, đây là một trò chơi đậm đà bản sắc truyền thống.
Ăn Tết ở Indonesia
Người dân ở Indonesia ăn Tết rất sớm theo lịch của người Hồi giáo. Trong những ngày này, người dân Indonesia chia nhau dựng những ngôi đền thờ bằng trái dừa, lá dừa, cây mía và gạo nhuộm đủ màu sắc,... để làm nơi tế thần linh. Ngoài ra còn nhiều hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa; đặc biệt là những đám rước kiệu quanh thị trấn, để khi đến cuối Tết, họ kéo ra sông và dìm kiệu xuống nước, xem đó như điều cầu xin thần Nước phù hộ cho mưa thuận gió hòa.
Đất nước Malaysia ăn Tết
Cũng như ở Indonesia, đất nước Malaysia lấy ngày đầu năm của lịch Hồi giáo làm ngày lễ Tết. Trong dịp năm mới, khi gặp gỡ nhau, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó nắm tay lại rồi áp sát vào tim trong khoảng thời gian ngắn. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Tuy nhiên, việc chủ động chạm tay vào tay người phụ nữ là điều hết sức cấm kỵ tại quốc gia này.
Trong dịp này, Malaysia tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, điển hình là cuộc thi “đấu lông công” thu hút nhiều người tham dự và cổ vũ.
Tết ở Singapore
Tết ở Singapore nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm phong cách phương Tây xen lẫn nét văn hoá truyền thống của người Trung Quốc. Trong những ngày này diễn ra các cuộc thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may. Tết cũng là dịp để khắp nơi trên đảo quốc Sư tử tổ chức các hoạt động vui chơi như múa lân, múa rồng.
Mỗi năm ứng vào từng con giáp, những gia đình tiểu thương ở đây sẽ làm nhiều vật phẩm kỷ niệm liên quan đến con vật để bày bán cho mọi nhà về trưng bày dịp Tết truyền thống dân tộc.
Ảnh minh họa. |
Philippines ăn Tết
Do chịu ảnh hưởng nhiều bởi các phong tục phương Tây nên người Philippines ăn Tết từ lễ Giáng sinh. Ngày Tết cũng là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để thưởng thức vào đúng nửa đêm. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới. Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ. Làm như vậy, họ mong muốn cả năm sẽ không phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Đặc biệt ở đảo Pahcuve có tục gặp nhau mừng năm mới bằng cách ghé vào tai nhau mà cắn, càng quý nhau càng cắn mạnh.
Ngày Tết của Myanmar
Ngày Tết của Myanmar được bắt đầu theo Phật lịch, khoảng từ 13 - 17/4 dương lịch hằng năm. Lời chúc mừng năm mới của người Myanmar là “hắt nước vào người nhau”. Ở các thành phố lớn như: Yangon, Mandalay người ta để các thùng nước dọc các con phố lớn. Rất nhiều người đứng bên những thùng nước “rình” người đi đường rồi hắt nước vào họ thay cho lời mừng tuổi. Theo họ, nước là biểu hiện của sự sung túc, trong sạch và hồi sinh. Ai được tạt nước nhiều, người đó sẽ gặp nhiều may mắn, thịnh vượng. Dịp này, người dân Myanmar còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như: thi nhảy ếch, bưng nước chạy...