Đón vận hội mới
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Lào Cai vẫn tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và tận hưởng các yếu tố tích cực để phát triển kinh tế cửa khẩu.Không khí nhộn nhịp ở Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. |
Thấy những xe hoa tươi, nào là hoa cúc, nào là hoa hồng ánh lên sắc vàng, sắc đỏ trong những ngày đông giá rét tấp nập xuất qua cửa khẩu Lào Cai sang bên thị trường Trung Quốc, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi mọi năm hoa tươi chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu này phục vụ cho người dân chơi hoa trong những ngày Tết Nguyên đán. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua không khí lạnh liên tục tràn về, các vựa hoa tươi của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sản lượng giảm đáng kể, không đủ cung cấp nhu cầau tiêu dùng của thị trường. Nắm bắt được thời cơ này, nhiều thương nhân Việt Nam đã mạnh dạn chở hoa tươi xuất sang thị trường nước bạn. Theo ước tính của Ban Quản lý các cửa khẩu Lào Cai, trung bình mỗi ngày có gần 2 nghìn thùng (mỗi thùng khoảng 1.200 - 1.500 bông) hoa hồng, hoa cúc xuất sang Trung Quốc. Đó cũng là những tín hiệu vui, báo hiệu một mùa xuân mới với những vận hội mới sẽ đến với cửa khẩu Lào Cai trong năm Quý Tỵ này.
Một điều không thể phủ nhận là cho đến nay, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc Việt Nam nằm trong lòng một thành phố trực thuộc tỉnh, nên có cả hệ thống dịch vụ của một thành phố phục vụ cho nhu cầu giao lưu kinh tế - thương mại, xuất, nhập khẩu, du lịch và dịch vụ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt, đường sông và tương lai là đường hàng không đã đưa Lào Cai trở thành cửa ngõ quan trọng với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam, các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc. Nhờ đó góp phần tạo cho kinh tế địa phương chuyển động mỗi ngày một ấn tượng dựa trên việc khai thác được tiềm năng, lợi thế của mình, đặc biệt là phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Ngọc Thạch, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết: Trước khi lên với Lào Cai, anh đã từng công tác tại tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới với Trung Quốc và đã thấy sự phát triển của cửa khẩu Móng Cái. Tuy nhiên, sau 6 năm gắn bó với mảnh đất biên cương, chứng kiến sự vươn mình trỗi dậy của một không gian kinh tế đặc biệt trên miền biên cương của Tổ quốc, anh Phạm Ngọc Thạch cho rằng, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai ngày càng khẳng định vị thế “hạt nhân kinh tế” trong vùng Tây Bắc, trong đó có sự góp phần không nhỏ của ngành Hải quan Lào Cai. Thời gian qua, đơn vị đã cụ thể hóa phương châm “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả” trong các hoạt động của mình nhằm phục vụ tốt "khách hàng”, tích cực đẩy mạnh thủ tục hải quan điện tử, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu như năm 2001, thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu mới chỉ khiêm tốn ở con số gần 200 tỷ đồng, chính nhờ sự phát triển của kinh tế cửa khẩu đã góp phần đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo vươn lên gia nhập “câu lạc bộ” các tỉnh có số thu ngân sách trên 1 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2012, kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai đạt trên 1.074 tỷ đồng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hoạt động thương mại tuyến biên giới Việt - Trung.
Cho dù vẫn còn đó những khó khăn của nền kinh tế nói chung, song bước sang năm 2013, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Lào Cai vẫn tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và tận hưởng các yếu tố tích cực để phát triển kinh tế cửa khẩu. Anh Phạm Ngọc Thạch chia sẻ với chúng tôi rằng, năm 2013 kế hoạch Trung ương giao thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.280 tỷ đồng, đơn vị quyết tâm phấn đấu hoàn thành, bởi bên cạnh nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai, sẽ có thêm 4 nhà máy phốt pho vàng trên địa bàn làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ. Hơn nữa, lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới đã tăng thêm 11% so với năm trước... là những yếu tố góp phần làm cho kinh tế cửa khẩu Lào Cai ngày càng khởi sắc.
Trong chiến lược phát triển, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, rất coi trọng hợp tác kinh tế xuyên biên giới với tỉnh Lào Cai, Việt Nam; đặc biệt, phía bạn đánh giá rất cao vai trò của cặp cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam). Do đó, những năm qua, các tỉnh, thành trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã cùng nhau tích cực hợp tác phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế cửa khẩu và đạt được những kết quả tốt đẹp. Trong thời gian tới, nếu được tiếp sức bởi những cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với sự nỗ lực thúc đẩy hợp tác từ phía Chính phủ hai nước Việt - Trung và sự quan tâm của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế này, chắc chắn sẽ đem lại những thành tựu to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu của mỗi địa phương. Ước tính đến năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai sẽ đạt trên 2 tỷ USD.
Trong không khí đón xuân Quý Tỵ, anh Đặng Xuân Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh cho biết: Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai tiếp tục đón nhận những vận hội mới, bởi vừa qua, Khu kinh tế này được chọn là 1 trong 8 khu kinh tế trong cả nước được Chính phủ tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2013 - 2015. Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc Lào Cai – Nội Bài đang tích cực triển khai xây dựng, khi được khai thông và đấu nối với tuyến đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc, sẽ là huyết mạch giao thông của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việc nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai cũng đang được triển khai tích cực cùng với việc địa phương nỗ lực thực hiện tốt “Đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ và Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015” sẽ đem đến cho Lào Cai những bước bứt phá ngoạn mục, xứng đáng với vai trò vùng kinh tế động lực chủ đạo của khu vực Tây Bắc.