Tăng trưởng OECD thấp nhất kể từ năm 2009
Ảnh minhh họa. |
Sự sụt giảm này một phần là do sự sụt giảm của 4 nền kinh tế chính của EU. Đức năm qua đã giảm 0,6%, cao nhất kể từ năm 2009. Pháp và Anh ở quý IV/2012 đã giảm 0,3% sau khi tăng 1% và 0,9% vào quý III/2012. Còn kinh tế Italia tiếp tục suy giảm quý thứ 6 liên tiếp, với mức 0,9%. Về phần mình, tỷ lệ tăng trưởng cả năm 2012 của Mỹ là +1,5%, tức cao nhất trong các nước phát triển.
Tại châu Á, sau khi ghi dấu mức giảm mạnh nhất trong số 7 quốc gia dẫn đầu OECD trong quý III/2012, kinh tế Nhật Bản trong quý IV/2012 đã suy giảm thấp hơn ở mức 1%. Các thị trường lao động vẫn lâm vào tình trạng yếu kém với 50 triệu người thất nghiệp trong toàn khối OECD. Tình trạng thất nghiệp có thể vẫn duy trì ở mức cao và thậm chí còn tăng lên tại nhiều nước nếu không sử dụng các biện pháp cơ cấu để tạo thêm công ăn việc làm trong trung hạn.
Cuộc khủng hoảng Eurozone vẫn còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới bất chấp việc thực hiện các biện pháp trong thời gian qua nhằm hạn chế các sức ép ngắn hạn.
Toàn bộ khu vực Eurozone đã bắt đầu thực hiện điều chỉnh tình trạng mất cân đối trầm trọng, nhưng cần phải hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo sự ổn định dài hạn, trong đó có cả việc cải cách cơ cấu tại cả các nước thâm hụt và thặng dư. Tăng trưởng GDP của toàn khối OECD trong năm 2013 dự kiến đạt mức 1,4%, và sẽ tăng mạnh lên mức 2,3% vào năm 2014.
Tại Mỹ, nếu như tránh được “vách đá tài khóa” thì sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 2% trong năm 2013 và tăng lên 2,8% trong năm 2014. Tại Nhật Bản, dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 0,7% trong năm 2013 và 0,8% trong năm 2014. Khu vực Eurozone vẫn ở trong tình trạng suy thoái đến đầu năm 2013 và chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 0,1% trong năm 2013, rồi sau đó tăng lên 1,3% trong năm 2014.
Sau khi hoạt động trầm lắng hơn dự kiến trong năm 2012, tăng trưởng bắt đầu khởi sắc tại các nền kinh tế thị trường mới nổi bằng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực tiền tệ và tài khóa để bù đắp cho việc kéo dài tình trạng cầu bên ngoài yếu kém. Trung Quốc dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng 8,5% trong năm 2013 và 8,9% trong năm 2014. GDP cũng dự kiến tăng lên khá nhanh tại Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nga và Nam Phi./.