Lễ ăn cơm mới "Giày xí mà" của người Xa Phó

Khi bông lúa chín rộ, từng thửa ruộng bậc thang vàng óng cũng là lúc người Xa Phó ở Lào Cai tổ chức lễ ăn cơm mới "Giày xí mà" truyền thống.

Lễ cơm mới thường được tổ chức vào ngày con rồng hay con rắn tùy thuộc vào từng dòng họ, nhưng ăn tết trước ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch thì người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình sẽ trực tiếp ra ruộng gặt lúa.

Một tiết mục múa của phụ nữ Xa Phó.

 

Mâm cơm dâng cúng là thành quả lao động của một năm vất vả. Những bông lúa chín mẩy vàng được người dân vận chuyển về nhà cũng là lúc gia đình làm lễ tạ ơn tổ tiên và tiến hành làm mâm lễ cúng. Mâm lễ gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, chén rượu, nén hương. Ở một số thôn bản người Xa Phó tại Sa Pa và Bảo Thắng, mâm lễ cúng được chuẩn bị kỹ với các vật phẩm cầu kỳ. Họ thường sử dụng 2 - 3 con cá khô (hoặc tươi), 3 - 5 con chuột sấy khô, 1 - 3 con chim, một bát mắm cá ủ chua, một bát ớt nhỏ giã nhuyễn với muối, bốn đôi đũa. Khi chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên chiếc mâm mây đặt trước bàn thờ. Sau đó, chủ nhà ngồi khoanh chân làm lễ cúng. Một số gia đình người Xa Phó ở Bảo Thắng còn mời thầy cúng giúp hành lễ. Thầy cúng "A pờ" ngồi trên chiếc ghế con trước bàn thờ lầm rầm đọc bái khấn với nội dung: "Hôm nay, ngày con rồng, tháng chín, nhờ công ơn tổ tiên, cha mẹ dạy bảo chúng con biết làm ăn thu được lúa gạo, hôm nay, gia đình làm cơm mời bố mẹ, ông bà…".

Cúng xong, gia đình làm hai mâm: Mâm đàn ông và mâm đàn bà. Mâm đàn ông đặt trước bàn thờ mời chủ nhà, thầy cúng và khách. Mâm đàn bà được đặt trên lá chuối phía trong mâm đàn ông. Thầy cúng và những người đàn ông trong gia đình uống rượu xong, người phụ nữ mang đến cho mỗi người một nắm cơm, miếng thịt được đặt trong lá chuối rừng. Những người đàn ông cầm chén rượu nhấp môi ba lần, sau đó mới được ăn cơm. Theo phong tục truyền thống của người Xa Phó, ngày gia đình tổ chức ăn tết cơm mới tuyệt đối không cho ai bất cứ thứ gì. Những gia đình trong làng chưa tổ chức lễ cơm mới đều không được mời tới dự.

Lễ cơm mới của người Xa Phó đến nay vẫn còn được duy trì, đây là nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của họ nói riêng cũng như các dân tộc vùng cao Tây Bắc nói chung.

(Theo LCĐT)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...