Nhân Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ 2013: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong hội nhập và phát triển

Ngôn ngữ không chỉ là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể, mà còn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại, đảm bảo sự đa dạng về văn hóa và thúc đẩy quá trình giao thoa, kế thừa tinh hoa của các nền văn hoá.
Ảnh minh họa: UNESCO
   Năm 2007, theo quyết định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ngày 21/2 được chọn là Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ nhằm nhận thức rõ rệt về tầm quan trọng của sự phong phú, đa dạng về ngôn ngữ.
Lịch sử của ngày này bắt nguồn từ sự kiện: Ngày 21/2/1952 ở Dhaka, thủ phủ của Bangladesh (khi đó là Đông Pakistan), cảnh sát đã xả súng vào đoàn sinh viên đang tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền công nhận tiếng Bengal là ngôn ngữ chính thức, làm 4 người thiệt mạng. Sự kiện này dẫn đến một phong trào phản đối dữ dội trên cả nước. Kết quả đã buộc nhà cầm quyền phải công nhận tiếng Bengal (ngang với tiếng Urdu).

Ngày 16/5/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong Nghị quyết 61/266, đã "yêu cầu các nước thành viên và Ban Thư ký thúc đẩy việc bảo tồn và bảo vệ tất cả các ngôn ngữ được nói bởi các dân tộc trên toàn thế giới". Cũng với Nghị quyết này, Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2008 là Năm Ngôn ngữ Quốc tế, nhằm thúc đẩy sự thống nhất trong sự đa dạng và sự hiểu biết quốc tế nhờ đa ngôn ngữ và đa văn hóa.

Trong suốt hơn 10 năm vừa qua, Ngày kỷ niệm này được tổ chức tại khắp nơi trên thế giới. Đây là dịp để mọi người cùng chia sẻ sự độc đáo của mỗi nền văn hóa, trong đó, ngôn ngữ là nòng cốt. Đây cũng được xem là cơ hội tuyệt vời để bảo vệ các quyền văn hóa của mỗi quốc gia và duy trì sự đa dạng văn hóa của toàn thế giới.

Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ năm nay (21/2/2013), đã được UNESCO chọn để khám phá mối liên hệ giữa ngôn ngữ và sách. Các cuốn sách chính là một lực lượng vì hòa bình và phát triển giữa tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là công cụ thiết thực tham gia vào việc làm giàu ngôn ngữ, đồng thời vẫn lưu giữ đầy đủ các dấu vết tiến hóa của ngôn ngữ theo thời gian. Vào thời điểm có nhiều công nghệ mới xuất hiện như hiện nay, sách vẫn là công cụ có giá trị, bền, tiện dụng để chia sẻ kiến thức thực tế, giúp hiểu biết lẫn nhau và rộng mở hướng ra thế giới. Sách chính là những cột trụ của xã hội tri thức và đang đi đầu trong việc thúc đẩy tự do thể hiện và tự do giáo dục cho tất cả mọi người.

Ngôn ngữ và đa dạng văn hóa

Các loại ngôn ngữ chính là những công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta. Tất cả những gì được thực hiện để thúc đẩy sự phổ biến các ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ nhằm khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và giáo dục đa ngôn ngữ mà còn để nâng cao nhận thức về các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên khắp thế giới, truyền đi tinh thần đoàn kết dựa trên sự khoan dung, sự hiểu biết và đối thoại.

Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bởi nó đảm bảo sự đa dạng về văn hóa và giúp các nền văn hóa có thể giao thoa, trao đổi với nhau. Ngôn ngữ cũng giúp tăng cường hợp tác, xây dựng xã hội tri thức toàn diện, bảo tồn các di sản văn hóa và tạo điều kiện tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng tốt cho mọi người. Mỗi tiếng nói đều là nguồn ngữ nghĩa độc đáo để hiểu, viết và mô tả thực tế thế giới. Tiếng mẹ đẻ cùng với sự đa dạng của ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng để xác định bản sắc của các cá nhân như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Một nền văn hóa hòa bình chỉ có thể được xây dựng trong một không gian, nơi tất cả mọi người có quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ một cách tự do và đầy đủ trong tất cả các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày kỷ niệm này, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc tổ chức UNESCO khẳng định: “Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ là cơ hội duy nhất để nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngôn ngữ đối với bản sắc của các nhóm và các cá nhân, là nền tảng của tất cả đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của UNESCO, “đa dạng ngôn ngữ là một sức mạnh và một cơ hội đối với nhân loại. Nó thể hiện sự đa dạng văn hóa của chúng ta, nó khuyến khích sự pha trộn của các quan điểm, tư duy mới, mở rộng trí tưởng tượng của chúng ta. Các cuộc đối thoại đích thực được hoàn thành bởi sự tôn trọng các ngôn ngữ, và đó là lý do tại sao UNESCO đã hành động để thúc đẩy việc sử dụng các ngôn ngữ như một công cụ của sự hiểu biết lẫn nhau”.

Bà Irina Bokova đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ, nhằm giúp chống mù chữ và đóng góp cho một nền giáo dục có chất lượng. Bảo vệ các ngôn ngữ cũng đảm bảo việc bảo tồn và truyền tải các kiến thức bản địa quý hiếm. Nó có thể cũng là một cách để cung cấp cho tất cả mọi người các phương tiện để lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, và nó là một sức mạnh hòa nhập xã hội”.

Hiện nay, trên thế giới có gần 7.000 thứ tiếng khác nhau, song số lượng ngôn ngữ được nói trên trái đất giảm nhanh. Theo đánh giá của UNESCO, có khả năng đến cuối thế kỷ XXI, số lượng các thứ tiếng khác nhau sẽ giảm còn một nửa. Mỗi tháng, trên thế giới biến mất hai ngôn ngữ, mà phần đông là những thứ tiếng của các dân tộc thiểu số. Có tới 96% ngôn ngữ chỉ được 4% dân số thế giới nói.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, đa dân tộc và vì vậy cũng là quốc gia có nhiều ngôn ngữ. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, việc bảo tồn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ dân tộc khác luôn được xem là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam. Tiếng Việt như là một ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam, chịu tác động to lớn và mạnh mẽ của các tiến trình phát triển của Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại…


Tiếng Việt là tài sản quốc gia quý giá, cần được các thế hệ gìn giữ (Ảnh: Hải Lê)
 
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định, ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú và luôn luôn phát triển. Cho tới thời điểm hiện tại, thế giới nói chung và người dân Việt Nam chúng ta nói riêng đều không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng Việt cũng như sự phát triển mạnh mẽ của ngôn ngữ này. Trong quá trình phát triển, rất nhiều từ mới, cụm từ mới, thuật ngữ mới thuần Việt đã được ra đời và phục vụ tốt hơn công việc giao tiếp, diễn đạt ý tưởng và phát triển kinh tế, xã hội, khoa học. Tiếng Việt không chỉ thu hút bằng âm sắc trầm bổng và trữ tình mà còn ở chiều sâu của ngữ nghĩa.

Thời gian trở lại đây, song hành với quá trình toàn cầu hóa nói chung là “toàn cầu hóa văn hóa” và “toàn cầu hóa ngôn ngữ”. Đó là một thực tế không thể tránh khỏi. Quá trình giao thoa về ngôn ngữ diễn ra mạnh mẽ khiến tiếng Việt cùng lúc phải “cạnh tranh” với nhiều ngoại ngữ khác. Bên cạnh đó, dưới tác động của quá trình đô thị hoá, của nền kinh tế thị trường, sự di chuyển liên tục của dòng người giữa ba miền Bắc-Trung-Nam, giữa các vùng trong một miền, giữa nông thôn và thành thị,..., thành phần dân cư, dân tộc cũng đã và đang bị xáo trộn, đan xen. Theo đó, tiếng Việt cũng có những thay đổi đáng kể, đó là sự phân bố về vị thế, chức năng giữa tiếng Việt chung với các tiếng Việt phương ngữ, sự phân bố lại về ngôn ngữ tộc người,...

Không thể phủ nhận, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có. Nhưng mặt khác, tiếng Việt cũng phải đối đầu trước nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách “thế giới phẳng” về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ xướng. Trong suốt những năm vừa qua, dù được đề cập dưới nhiều khía cạnh nội dung phong phú, nhưng mục tiêu thống nhất là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” vẫn luôn là một chủ đề liên tục được quan tâm bàn thảo.

Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của đại đa số người Việt Nam, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất trong một cộng đồng dân cư rộng lớn. Tiếng Việt có lịch sử hình thành và phát triển rất đáng tự hào, trong đó, đáng kể nhất là khả năng tiếp nhận vốn từ vựng từ bên ngoài, tự điều chỉnh chúng một cách chủ động, biến thành cái riêng, cái đặc biệt của người Việt, thực sự đã, đang và sẽ mãi là tài sản quốc gia quý giá. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kế thừa những giá trị ngôn ngữ truyền thống và hội nhập như thế nào để đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ, tránh làm “vẩn đục tiếng Việt”./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội

Tỉ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93% là cố gắng lớn của chúng ta trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.Tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. Các chính sách về người có công, giảm nghèo bền vững dành cho người yếu thế đang được thực hiện một cách có hiệu quả.

Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế 'xin - cho', sách nhiễu

Phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát...

Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam...

Đưa quan hệ Việt Nam-Qatar bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Báo ASIAN Telegraph (Qatar) nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhà nước Qatar.

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên