Tiềm năng lớn của nhóm BRICS
Ảnh minh hoạ. |
Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu chật vật tái khởi động nền kinh tế của mình trong sự đe doạ của suy thoái thì nhóm BRICS có đủ thế mạnh để từ nay đến năm 2050 trở thành đầu tầu mới của thế giới, có sự chủ động, mạnh mẽ và ngày càng độc lập trong phát triển kinh tế. Điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Iran để được cung ứng thêm dầu mỏ.
Để thoát khỏi sự lệ thuộc vào các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, 5 nước BRICS có ý định thành lập Ngân hàng phát triển của riêng mình với sứ mệnh tài trợ cho các dự án hạ tầng quan trọng và cấp tín dụng cho các nước nghèo trong vùng.
Các nước BRICS thống nhất tăng lượng trao đổi thương mại từ 280 tỷ USD lên 500 tỷ USD từ nay đến năm 2015. Ấn Độ và Nga cam kết trong 3 năm tới sử dụng đồng tiền của mình để thanh toán trong trao đổi thương mại song phương nhằm tránh phụ thuộc vào giá trị đồng USD.
Mặc dù các nước phương Tây thường cố tình quên các nước BRICS, trừ trường hợp phải cần đến họ để cứu giúp châu Âu và hỗ trợ khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ song rõ ràng chiếc hố kinh tế ngăn cách giữa các nước BRICS và các nước nhóm G8 đang dần được lấp đầy. Nếu không tính Nga, các nước G8 còn lại Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Italia, Anh và Mỹ chiếm tới 38,3% GDP thế giới về sức mua. Khoảng cách đó sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới vì nhiều nước thành viên nhóm G8 đang phải chật vật để vượt qua khó khăn kinh tế triền miên.
Trong khi đó, có một danh sách các ứng cử viên tiềm năng mới có thể gia nhập BRICS, bao gồm Indonesia, Mexico, Nigeria, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Tất cả các nền kinh tế này xứng đáng được gia nhập nếu xét đến quy mô, tốc độ tăng trưởng GDP cao và dân số lớn. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển và tầm ảnh hưởng của BRICS trong tương lai là rất lớn./.