Tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân vươn lên trong khó khăn
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương
cho đại diện ba doanh nghiệp
Trong bối cảnh năm 2012 là một năm nhiều khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung với nền kinh tế Việt Nam nói riêng, những kết quả đạt được các doanh nghiệp đạt giải thưởng năm vừa qua là minh chứng cho nỗ lực liên tục hiệu quả của các doanh nghiệp Việt nam để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ.
Giải thưởng Chất lượng quốc gia Việt Nam là giải thưởng của Thủ tướng Chính phủ trao tặng với mục đích tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích nổi trội về chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ứng dụng các hệ thống và công cụ quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp một cách toàn diện góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tại buổi lễ, 67 doanh nghiệp xuất sắc đã được vinh danh, trong đó 50 doanh nghiệp được trao tặng Giải Bạc Chất lượng quốc gia, 17 doanh nghiệp được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giải Vàng Chất lượng quốc gia.
Đặc biệt trong năm 2012, có 3 doanh nghiệp Việt Nam được Tổ chức Chất lương châu Á – Thái Bình Dương trao tặng Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (Giải thưởng quốc tế GPEA), bao gồm: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (TP Hải Phòng), Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng) là một trong 3 doanh nghiệp Việt Nam
được Tổ chức Chất lương châu Á – Thái Bình Dương trao tặng Giải thưởng quốc tế GPEA
Chúc mừng các doanh nghiệp đoạt giải, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cùng với việc trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, trong đó riêng năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các dự án thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp nhằm hỗ trợ tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng các doanh nghiệp đạt giải thưởng sẽ là những doanh nghiệp tiêu biểu cổ vũ cho 400.000 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm sâu sắc hơn nữa đến chất lượng sản phẩm trong quá trình cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện báo cáo tổng quan về tình hình chất lượng hàng hóa dịch vụ, về kết quả triển khai Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 để nhân dân và doanh nghiệp, bạn bè quốc tế biết rõ hơn những tiến bộ của Việt Nam trên lĩnh vực nâng cao năng suất chất lượng, sản xuất tại Việt Nam.
* Với chủ đề “Vượt sóng”, Liên hoan Doanh nghiệp Rồng Vàng lần thứ XII và Thương hiệu mạnh Việt Nam lần thứ IX do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vừa diễn ra ngày 16/3 tôn vinh những đơn vị đã năng động, có biện pháp phù hợp để duy trì sự ổn định, phát triển. Có 100 doanh nghiệp trong nước được nhận danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam, danh hiệu Rồng Vàng được trao cho 73 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Có 100 doanh nghiệp trong nước được nhận danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam,
danh hiệu Rồng Vàng được trao cho 73 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Chủ tịch hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng năm 2013 vẫn là thời gian khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng môi trường sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được cải thiện nhờ sự quan tâm và các giải pháp, cơ chế chính sách Chính phủ sẽ phát huy ảnh hưởng lâu dài.
Theo đại diện các doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu mạnh, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tôn Hoa Sen, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn cũng là dịp để mỗi doanh nghiệp tự tái cơ cấu, khắc phục điểm yếu, hướng tới sự tăng trưởng cao hơn khi nền kinh tế thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn.
Ban tổ chức cũng đã trao danh hiệu Rồng Vàng cho 73 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thành tích xuất sắc trong năm 2012, hoạt động trong một số lĩnh vực như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất xi măng, ô tô…
Năm 2012 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào Việt Nam và giải ngân 10,5 tỷ USD. Kết quả này được đánh giá là tích cực trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài đã giảm sút mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của những khó khăn kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ hiện đại.
*Bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á năm 2013 của Forbes, có tên hai nữ doanh nhân Việt Nam. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), và bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang.
Bà Mai Kiều Liên
Theo bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á năm 2013 của Forbes, Việt Nam có hai đại diện góp mặt. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), xếp thứ 27 và bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang, xếp thứ 31.
Bà Mai Kiều Liên khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Vinamilk là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên cổ phần hóa, thuộc top công ty có doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
Bà Liên được biết đến là người phụ nữ quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến. Bà thực hiện việc đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm, tiến hành tái cấu trúc công ty và đặt mục tiêu đưa Vinamilk lọt top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới với doanh thu 3 tỷ USD.
Năm 2012, bà được Forbes bầu chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Forbes bình luận Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất Việt Nam, đồng thời là blue-chip trên sàn chứng khoán. Kể từ khi niêm yết năm 2006, Vinamilk đã tăng trưởng đều đặn cả về doanh thu và lợi nhuận. Tuy 2012 là năm khó khăn với hầu hết các công ty Việt Nam, doanh thu Vinamilk vẫn tăng 23% lên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận ròng tăng gần 40% lên 280 triệu USD. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực đưa sản phẩm của Vinamilk ra thị trường quốc tế và đã xuất khẩu sang 23 nước.
Tạp chí này cũng khen ngợi kể từ khi gia nhập Dược Hậu Giang năm 1988, bà Phạm Thị Việt Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt. Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm. Năm 2012, công ty này đạt doanh thu 140 triệu USD. Lợi nhuận ròng tăng 18% lên 24 triệu USD.
Bà Phạm Thị Việt Nga
Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang năm 1988. Bà được được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.