Giữ hồn cho điệu xòe đắm say

Tháng Giêng, hoa mận trên cao nguyên Bắc Hà bung nở. Mùa xuân về với bản Tày, xã Tà Chải cũng là mùa yêu, mùa hội, mùa xòe.
 
Nhịp xòe Tà Chải (Bắc Hà). Ảnh: Ngọc Bằng

Bên căn nhà sàn của nghệ nhân Lâm Văn Lù ở thôn Na Pắc Ngam, đầu giờ chiều, tiếng pí lè, tiếng chiêng, tiếng trống tấu lên những khúc nhạc vui nhộn. Cụ Lâm Văn Sủn (78 tuổi), cụ Lâm Văn Lù (76 tuổi) phụ trách 2 cây pí lè của đội xòe, tuy tóc đã bạc trắng, nhưng giọng kèn còn khỏe lắm. Cụ bà Vàng Thị Tiều, năm nay đã 73 tuổi, nhưng tay trống, tay chiêng vẫn còn mạnh và chính xác đến từng nhịp. Ông Lâm Văn Vương đã gần tuổi thất thập, dáng người nhỏ, tóc điểm hoa râm, Đội trưởng Đội xòe của thôn có mặt từ rất sớm.

Không ai gọi ai, chỉ một loáng sau, người già, người trẻ, nam nữ, thanh niên đã đến vây kín khoảng sân bê tông rộng, háo hức đợi xem tập xòe. Từ trong nhà bước ra, các cô gái Tày với trang phục truyền thống, khăn tím vấn trên đầu, vòng cổ lấp lánh ánh bạc, dây thắt lưng điệu đà, dải lụa sặc sỡ quàng qua vai xinh đẹp, rạng rỡ khác hẳn ngày thường.

Mở đầu bài tập, sau điệu xòe chào khách là điệu The khăn (xòe khăn). Các cô gái với bước đi nhẹ nhàng, điệu múa uyển chuyển, thướt tha như bầy tiên nữ trên núi Cô Tiên bay xuống giữa vườn mận tam hoa trắng ngần. Dải lụa xanh, đỏ, vàng, cam quàng qua vai lúc phất sang trái, khi phất sang phải, lúc vẫy trên cao, khi hạ xuống thấp theo từng động tác của đôi tay khéo léo, nhịp nhàng.

Khi tiếng trống, tiếng chiêng trở nên dồn dập, rộn rã hơn. Bài tập chuyển sang điệu xòe đập lúa (xòe Phặt khẩu) với các động tác múa khỏe khoắn, nhanh nhẹn, mô phỏng cảnh gặt lúa, thu lúa, đập lúa trên nương. Khi tiếng kèn pí lè tấu lên rộn ràng là lúc chuyển sang điệu xòe bắt cá (xòe Pi ả), vòng xòe khi chụm lại, lúc giãn ra, thể hiện cảnh mọi người cùng nhau quây bắt cá trên suối… Rồi các điệu xòe cờ (The cơ), xòe chiêng (Pa nhăm pa), xòe đôi, xòe bốn, xòe vòng… thu hút rất đông người xem.

Trong các điệu xòe thì xòe khăn kết hợp với đàn tính độc đáo nhất, được sử dụng trong nghi lễ hát Then của dân tộc Tày, xã Tà Chải. Từ một, hai điệu xòe cổ, đến nay, xòe Tà Chải đã có tới gần chục điệu, phản ánh sinh động đời sống của nhân dân. Xòe mang đến tiếng cười cho bản làng, thôn, xóm, giúp mọi người quên nhọc nhằn trong lao động, sống vui vẻ, lạc quan hơn.

Luyện tập trước ngày hội xòe.

Vào những thập niên đầu thế kỷ trước, nhắc đến xòe Tây Bắc, ngoài xòe của người Thái trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), thì các điệu xòe của dân tộc Tày, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cũng lừng lẫy một thời. Nghệ nhân Lâm Văn Lù cho biết: Ở Bắc Hà, năm 1926, Hoàng Yến Chao cho con nuôi là Hoàng Văn Phiển lặn lội sang tận cao nguyên Mộc Châu đón hai thầy về Bắc Hà dạy xòe nón, xòe khăn, xòe mời rượu cho đội văn nghệ phục vụ các quan Tây. Đêm đêm, dưới ánh đèn măng xông, tiếng trống chiêng, tiếng nhạc tấu lên, khi rượu đã đủ, sàn gỗ lại rầm rập theo nhịp xòe. Những tưởng các điệu xòe chỉ để mua vui cho tầng lớp thống trị bấy giờ, nhưng chỉ ít lâu sau, nó đã vượt qua cả bức tường thành kiên cố ấy để đến với nhân dân, được đồng bào Tày Tà Chải tiếp thu, cải tiến để bây giờ trở thành di sản quý báu của dân tộc Tày trên “Cao nguyên trắng”.

Đã có một thời gian dài vì nhiều lý do, nhịp xòe Tà Chải dường như bị lãng quên trong đời sống đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Thỉnh thoảng, thôn xa, bản gần văng vẳng tiếng pí lè, tiếng tính tẩu lạc lõng gọi buồn giữa đêm khuya. Thiếu xòe, con người, làng, bản, núi rừng trở nên buồn tẻ, lạnh lẽo.

Những tưởng nhịp xòe Tà Chải sẽ biến mất hẳn, nhưng may thay, vẫn còn những người nặng lòng với xòe. Khi cán bộ văn hóa tỉnh rồi huyện xuống tận xã, tận thôn động viên bà con quay lại với xòe, không ai nói ra nhưng trong lòng phấn chấn lắm. Không về xòe, cây lúa không tốt/Không múa, hạt lúa không về/Anh em trong làng ơi về xòe cây lúa mới tốt… (dân ca Tày).

Người ta tìm lại chiếc kèn pí lè bỏ xuống lau cho sáng ánh đồng, căng lại dây đàn tính, chuẩn bị chiêng, trống, giặt váy áo để xòe. Những nghệ nhân lão làng từ bản xa hăm hở mang hết tâm sức dạy xòe cho cánh thanh niên. Xòe Tà Chải dần hồi sinh trong từng mái nhà sàn. Rồi mỗi mùa hoa mận nở trắng rừng, xã Tà Chải tưng bừng mở hội Lồng tồng, bản Tày lại nhộn nhịp vòng xòe. Lửa đốt lên cháy rừng rực. Xòe cho bõ những ngày mong đợi. Xòe đắm say, nghiêng ngả. Xòe hết đêm tới sáng thật vui. Tà Chải hôm nay có tới 5 đội xòe ở các thôn: Na Pắc Ngam, Na Hô, Na Lo, Na Lang, Na Kim với gần 100 “cây xòe” đủ trẻ, già, nam, nữ…

Chiều dần buông trên “Cao nguyên trắng” Bắc Hà. Sương mờ phủ xuống vườn mận trắng như hư ảo. Đội xòe rộn ràng trong sương lạnh bay bay. Càng xòe càng mê. Càng xòe càng say. Các thiếu nữ hóa thân vào điệu xòe tự nhiên không còn e ấp, ngại ngùng. Ánh mắt sơn nữ lúng liếng. Nụ cười sơn nữ tươi như hoa. Nhịp bước xòe khi chậm rãi, thư thái, khi dồn dập, rộn ràng.

Xem xòe, các cụ ông, cụ bà móm mém sống lại thời thanh niên, nét mặt rạng rỡ như trẻ lại hàng chục tuổi. Có em bé ngồi trong lòng mẹ, mắt chăm chú xem xòe, đôi tay măng non cũng múa theo từng động tác của các cô, các chị… Xòe Tà Chải như có ma lực cuốn hút người ta xem rồi lại muốn xem nữa, xem mãi, xem đi, xem lại không biết chán.

Đội xòe thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải.

Sau buổi tập xòe, chị Vàng Thị Chứ, một trong những thành viên của đội xòe Tà Chải, nâng chén rượu lên mời: “Muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố. Muốn ăn thắng cố ngon đi chợ Bắc Hà. Muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải”… Cô gái có đôi mắt một mí, nụ cười duyên này là con gái Mông ở xã Bản Phố. Vì thích xem xòe Tà Chải, một mùa hội xuân về đây chơi, được mời vào vòng xòe, không ngờ chàng trai mình nắm tay xòe đôi đêm hôm đó bây giờ đã là chồng. Vừa nói, Chứ vừa đưa ánh mắt tình tứ nhìn sang bên cạnh. Anh Lâm Văn Dũng cũng nhìn vợ tự hào vì chính nhờ điệu xòe Tà Chải quê mình mà chinh phục được cô gái Mông xinh đẹp nhất, nhì xã Bản Phố, niềm mơ ước của bao chàng trai lúc bấy giờ.

Ở thôn còn có nhiều cặp đôi cũng bén duyên nhau từ vòng xòe, thành vợ thành chồng, rồi gắn bó với xòe đến tận bây giờ. Trong những mái ấm đó, các cháu nhỏ từ khi được sinh ra đã mang dòng máu xòe, sẽ tiếp nối ông bà, cha mẹ để xòe Tà Chải mãi mãi “sống” với thời gian./.

(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...