Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Ngày 4/4, Triều Tiên tuyên bố có thể tiến hành đáp trả quân sự mạnh mẽ chống lại Mỹ sau khi Mỹ có nhiều hành động khiêu khích trong những ngày qua, làm dấy lên lo ngại ở trong và ngoài khu vực. Tuyên bố của Triều Tiên phát đi trong bối cảnh Mỹ liên tục tăng cường sức mạnh quân sự gần bán đảo Triều Tiên.
|
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên trong một buổi làm việc tại trụ sở lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên. (Ảnh do Reuters/KCNA công bố ngày 29/3/2013)
|
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA): Nhân dân và quân đội Triều Tiên đang dốc toàn lực để bảo vệ chủ quyền đất nước cũng như ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân của Mỹ. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết, họ đã chính thức chuyển lời cảnh báo tới phía Nhà trắng, Lầu Năm góc và nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, ngay sau khi xuất hiện những thông tin về việc Triều Tiên đã triển khai một thiết bị tên lửa tầm trung tới khu vực bờ biển phía Đông của nước này, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế để tránh tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang trong khu vực.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 4/4, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Triều Tiên ngừng các động thái làm gia tăng căng thẳng cũng như quay lại bàn đàm phán 6 bên với cộng đồng quốc tế. Trước những diễn biến căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên, dự kiến, trong 2 ngày 10 – 11/4 tới, Ngoại trưởng các nước G8 sẽ nhóm họp tại thủ đô London (Anh) để thảo luận về cách thức đối phó với những mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong một động thái mới nhất, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5/4 cho biết Hải quân nước này đã triển khai 2 tàu khu trục đến khu vực bờ biển phía Tây và phía Đông bán đảo Triều Tiên, sau khi nhận định có khả năng Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa ở bờ biển phía Đông nước này.
Tranh chấp biển đảo khu vực Đông Bắc Á
* Ngày 1/4, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết: Ba tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.
Tân Hoa xã ngày 1/4 dẫn thông báo của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc nói rằng một đội tàu gồm các tàu Hải giám 50, Hải giám 26 và Hải giám 66 đã “tiếp tục tuần tra” tại vùng biển tranh chấp xung quanh Điếu Ngư/Senkaku. Đây là lần thứ 36 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012 và là lần đầu tiên xâm nhập kể từ ngày 18/3. Động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh ngày một có dấu hiệu căng thẳng do những động thái cứng rắn từ hai nước.
Đưa ra phản ứng trước thông tin trên, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định: Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và Trung Quốc duy trì chủ quyền không tranh cãi đối với nhóm quần đảo này.
Trong khi đó, bất chấp những tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc, ngày 1/4 Chính phủ Nhật Bản tuyên bố kế hoạch tăng cường an ninh hàng hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
* Cũng liên quan đến tình hình biển đảo, ngày 2/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những diễn biến căng thẳng gần đây tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng “chính quyền Washington mong muốn những vấn đề về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết thông qua cơ chế phân xử trọng tài”.
Ông Kerry tuyên bố: Mỹ tiếp tục ủng hộ việc áp dụng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết những tranh chấp hàng hải ở vùng biển này. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên quan chức ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong một tuyên bố hồi trung tuần tháng 3/2013, ông Kerry nhấn mạnh, chính quyền Washington mong muốn được hợp tác với một quốc gia khác trong khu vực là Brunei để giải quyết những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, năng lượng và biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh Brunei giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2013.
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cũng cam kết sẽ đưa vấn đề tranh chấp hàng hải lên bàn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vào tháng 10 tới. Ông Obama cho rằng, các hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là dịp tốt để thảo luận về thương mại, kinh tế và các vấn đề ngoại giao khác, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Khai mạc vòng đàm phán mới giữa Nhóm P5+1 và Iran
Sau vòng đàm phán diễn ra tại Almaty trong 2 ngày 26 – 27/2 mà hai bên không thu được kết quả nào đột phá, ngày 5/4, vòng đàm phán mới giữa Nhóm P5+1 và Iran nhằm tìm giải pháp cho chương trình hạt nhân của Tehran đã tiếp tục.
Đây được xem là một nỗ lực mới nhất giữa các bên nhằm giải tỏa bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định hay bất kỳ đánh giá nào về tiến triển của vòng đàm phán Almaty II bởi điều này còn phụ thuộc vào thiện chí của tất cả các bên có liên quan.
Tại vòng đàm phán trước đó, Nhóm P5+1 đã đề nghị Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân xuống dưới mức 20% để đổi lấy việc quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Tại vòng đàm phán lần này, các đại diện Nhóm 5+1 muốn nhận lời đáp cụ thể mang tính xây dựng của Iran đối với đề nghị trên đây. Cao ủy EU Catherine Ashton hy vọng vào phản ứng tích cực của Iran và kết quả cụ thể của vòng đàm phán lần này. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran Gialili nêu rõ: Iran muốn quốc tế công nhận quyền làm giàu urani cũng như quyền thực hiện chương trình nghiên cứu hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tehran.
Trước bối cảnh này, dư luận đánh giá tại vòng đàm phán mới tại Almaty, Nhóm P5+1 và Iran khó đạt được thỏa thuận cùng chấp nhận theo hướng Tehran hạn chế hoặc ngừng chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của nước này.
Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí
Ngày 2/4, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức thông qua bản Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí vốn rất được cộng đồng quốc tế kỳ vọng. Đây là văn bản quan trọng đầu tiên về giải trừ quân bị kể từ khi thông qua bản Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào năm 1996.
|
Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí
(Ảnh: Xinhua)
|
Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí đã được thông qua với 154 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống là Syria, Iran, CHDCND Triều Tiên và 23 phiếu trắng, trong đó có Nga.
Hiệp ước vừa được thông qua nhằm “thiết lập các tiêu chuẩn chung chặt chẽ nhất có thể để điều chỉnh hoặc cải thiện các quy định về buôn bán quốc tế các loại vũ khí thông thường”. Hiệp ước cũng nhằm ngăn chặn và loại bỏ hành động buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí.
Theo kế hoạch, việc ký kết Hiệp ước mới sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 3/6 tới đây và các nước được lựa chọn có ký kết và phê chuẩn Hiệp ước này hay không. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 50 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn. Quá trình này có thể kéo dài tới 2 năm.
Bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc
Trong tuần qua, dịch cúm gia cầm H7N9 đã bùng phát tại Trung Quốc. Với trường hợp tử vong mới nhất được ghi nhận vào sáng 5/4 tại tỉnh Chiết Giang, tổng số ca tử vong vì bệnh này ở Trung Quốc đã lên 6 người.
Bệnh nhân là nam giới, 64 tuổi, chủ một trang trại ở thành phố Hồ Châu. Bệnh nhân này qua đời trong bệnh viện đêm 4/4 và được khẳng định là đã nhiễm chủng virút chết người nói trên. 55 người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân này hiện chưa có biểu hiện triệu chứng bất thường nào.
Phòng Y tế tỉnh Chiết Giang cho biết trên địa bàn tỉnh đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm và 2 trường hợp tử vong vì virút cúm H7N9. Tính trên cả nước, Trung Quốc đã xác nhận 14 trường hợp nhiễm virút cúm H7N9, trong đó 6 ca tại Thượng Hải, 4 ca tại Giang Tô, 3 ca tại Chiết Giang và 1 ca tại An Huy.
Trước đó cùng ngày, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình thành phố Thượng Hải (miền Đông) cho biết một người tiếp xúc thường xuyên với một bệnh nhân tử vong do nhiễm virút cúm H7N9 ở thành phố này hiện đang được điều trị cách ly, sau khi người này có triệu chứng sốt, chảy nước mũi và ngứa họng. Hiện hơn 400 người tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm virút cúm gia cầm H7N9 vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
Việc bùng phát cúm gia cầm tại Trung Quốc đã khiến các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam tăng cường các biện pháp đối phó, tránh nguy cơ lây lan từ dịch bệnh./.