Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực

Việc dân số ngày càng tăng mạnh đã khiến các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Để đảm bảo an ninh lương thực, UAE đẩy mạnh nhập khẩu lương thực, thực phẩm; đồng thời xem xét đầu tư vào các dự án nông nghiệp tại nước ngoài.

Ảnh minh họa.      (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo Bộ Kinh tế UAE, trong những năm gần đây, nhập khẩu thực phẩm vào UAE tăng mạnh. Tiêu thụ thực phẩm tại UAE tăng ở mức 12%/năm, trong đó nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng 30%. Hầu hết thực phẩm nhập khẩu vào UAE đều qua sân bay quốc tế Dubai và bằng đường biển tại Cảng Jebel Ali, được kiểm soát và kiểm tra tại Cục Hải quan Dubai và Cục Quản lý Thực phẩm Dubai.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nền nông nghiệp của UAE kém phát triển do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nguồn nước và diện tích đất canh tác. Đây là nguyên nhân khiến UAE phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các loại lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, dân số tăng nhanh trong những năm gần đây cũng đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm nội địa.

Một nhân tố khác nữa tác động đến sự gia tăng này là do UAE là thị trường tái xuất lớn. UAE tái xuất gần 50% sản phẩm thực phẩm nhập khẩu sang các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Nga, Ấn Độ, Pakistan và các nước khu vực Đông Phi. Do nhu cầu tăng cao, UAE nhập khẩu thực phẩm nhiều hơn. Năm 2010, giá trị nhập khẩu thực phẩm của UAE đạt 3,6 tỷ USD. Con số này ước tính sẽ tăng lên 5,5 tỷ USD vào năm 2015 và 8,4 tỷ USD vào năm 2020.

Lượng thực phẩm tiêu thụ bình quân mỗi tháng của mỗi người dân UAE dự kiến sẽ tăng từ 960,4 USD trong năm 2011 lên 1.122 USD vào năm 2016. Năm 2011, lương thực, thực phẩm tiêu thụ tại UAE đạt 7,2 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ tăng lên 9,5 tỷ USD vào năm 2016. Từ năm 2007, nhập khẩu đồ ăn đã chế biến và đồ uống tại UAE tăng 17,8%, từ 2,4 tỷ USD lên 3,3 tỷ USD vào năm 2011.

Các sản phẩm nhập khẩu chính là: thực phẩm đã chế biến, đường, socola, các sản phẩm chứa cacao, bánh mỳ, bánh quy, bột mì, nước, nước ép trái cây, thịt. Ngoài ra, các mặt hàng UAE có nhu cầu nhập khẩu cao là gạo, rau củ quả tươi và đóng hộp… Các nước xuất khẩu thực phẩm sang UAE nhiều nhất là Mỹ (chiếm 10,5%), Ấn Độ (8%), Anh (5,4%), Thái Lan (5,3%), Pháp (5%)...

Theo nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Dubai, trị giá các loại thực phẩm tại UAE đều tăng kể từ năm 2000. Nguyên nhân là do sự suy giảm giá trị đồng USD và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân. Trong bối cảnh dân số gia tăng cộng với điều kiện thời tiết bất lợi sẽ khiến UAE đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm.

Để đảm bảo an ninh lương thực, chính phủ UAE đang xem xét đầu tư vào các dự án nông nghiệp tại nước ngoài, đặc biệt là tại Việt Nam, Campuchia, Ai Cập, Pakistan, Xu-đăng. Việc triển khai các dự án trên sẽ đảm bảo nguồn cung ứng lương thực và đề phòng trước các biến động của thị trường. Một chiến lược khác cũng được UAE triển khai tương tự như các quốc gia GCC đang triển khai là xây dựng nguồn cung thực phẩm dự trữ để bình ổn giá thành và đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...