Thế giới cần mô hình tăng trưởng mới
Ảnh minh hoạ. |
Hành động chính sách táo bạo của các nước đã ngăn được suy thoái toàn cầu, nhưng gây thâm hụt ngân sách lớn. Hậu quả là các Chính phủ nợ nần nhiều sẽ là đối tượng tiếp theo gặp khó khăn. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu ngày càng ít năng động và tăng cường phụ thuộc lẫn nhau khiến cả những nước có bản cân đối kế toán lành mạnh cũng bị suy giảm tăng trưởng.
Trong 5 năm gần đây, mức tăng trưởng trung bình toàn cầu chỉ đạt 2,9%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1971. Mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển gần như đình trệ, trong khi mức tăng trưởng của các thị trường đang nổi chỉ đạt 5,6%, thấp hơn mức trung bình 5 năm trước đó là 7,6%. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đáng báo động, mạng lưới an sinh xã hội thu hẹp và việc giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực đang đè gánh nặng lên thế hệ hiện nay, trong nhiều trường hợp, sẽ tác động xấu cả đến các thế hệ tương lai.
Do những xu hướng trên, việc tìm kiếm những mô hình tăng trưởng sẽ mất nhiều thời gian và phức tạp hơn, nhất là khi kinh tế thế giới đang chuyển khỏi tiến trình toàn cầu hóa và mức đòn bẩy cao. Các quốc gia như Mỹ sẽ được lợi từ hệ thống doanh nghiệp năng động từ dưới lên và sự phục hồi kinh tế chu kỳ truyền thống. Nhưng nếu không có một “máy tăng áp” kinh tế ngắn hạn, sự phục hồi tăng trưởng và việc làm vẫn từ từ, dễ bị tổn thương trước những rủi ro chính trị, chính sách và làm lợi quá mức cho những người siêu giàu.
Chính phủ sẽ có vai trò khác tại những quốc gia như Trung Quốc, nơi các quan chức sẽ hướng dẫn sự thay đổi từ sự phụ thuộc vào các nguồn tăng trưởng bên ngoài sang nhu cầu cân bằng hơn.
Triển vọng của các nền kinh tế khác ít chắc chắn hơn. Do không có sự linh hoạt chính sách, các quốc gia như Síp sẽ mất một thời gian dài để vượt qua cơn sốc khủng hoảng hiện nay và cải tạo các mô hình tăng trưởng của họ./.