Phát triển kinh tế cửa khẩu: Tín hiệu vui, kỳ vọng lớn
Lào Cai là một trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu được Chính phủ lựa chọn đầu tư trực tiếp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là cơ hội để hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, song, cũng là thách thức, đòi hỏi tỉnh cần đổi mới cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực kinh tế nhiều tiềm năng này.Lực lượng liên ngành kiểm tra hàng hóa xuất - nhập khẩu. Ảnh: Phạm Sơn |
Theo Đề án “Rà soát xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung phát triển đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015”, các hạng mục công trình có nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển, Lào Cai sẽ được tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn này, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu đảm bảo tuân thủ nguyên tắc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tối thiểu 70% tổng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Tập trung nguồn lực của quốc gia đối với sự phát triển các khu kinh tế cửa khẩu có tính chất đột phá, tạo cơ hội cho các Khu kinh tế cửa khẩu thực sự trở thành động lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, góp phần phát triển kinh tế quốc gia.
Lào Cai là “đầu cầu” của Việt Nam trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, về lâu dài sẽ kết nối kinh tế, văn hóa với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông và các quốc gia ASEAN. Chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm 2000, năm 2001, khi Cầu đường bộ số 1 bắc qua sông Nậm Thi nối Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) thì hoạt động kinh tế cửa khẩu mới thực sự sôi động. Đến nay, tỉnh đã triển khai các khu, cụm công nghiệp bổ trợ cho Khu kinh tế cửa khẩu, đó là Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, Khu công nghiệp Đông Phố Mới, Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải và dành cả vùng thị xã Lào Cai cũ tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu.
Các ban, ngành chức năng, đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã lập kế hoạch chi tiết các hạng mục đầu tư, trong đó tập trung vào các hạng mục hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu như nhà kiểm soát liên ngành, kho hàng, bãi kiểm hóa. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai rộng khoảng 9.000 ha với đầy đủ các loại hình giao thông, là cơ sở thuận lợi để phát triển giao thương trong nước và quốc tế. Trong tuyến hành lang kinh tế, từ năm 2008, phía Trung Quốc đã đầu tư đồng bộ cho phát triển hệ thống giao thông, công nghệ tại Khu công nghiệp Bắc Sơn (Hà Khẩu) khá hiện đại, tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu đã xây dựng theo thiết kế khổ rộng tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía Lào Cai, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang gấp rút thi công, theo kế hoạch sẽ thông tuyến trong năm 2013. Tháng 8/2012, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành chính thức đi vào hoạt động, ngay lập tức đã khẳng định năng lực thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu của Lào Cai tiếp tục tăng trưởng khá. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 200 triệu USD, tăng 335% so với thời gian hoạt động thử nghiệm trước đó.
Kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư đến với địa phương. Là một trong ba Khu kinh tế cửa khẩu phía Bắc được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, là cơ hội để Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại. Điều này cũng đòi hỏi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai cần nâng cao năng lực quản lý, thu hút đầu tư trực tiếp từ doanh nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng chính sách thu hút đầu tư, trong đó có cả đầu tư từ các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn thu và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nhằm giảm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Ông Đoàn Đình Khôi, Trưởng Ban Quản lý các cửa khẩu Lào Cai khẳng định: Những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế cửa khẩu của Chính phủ về hạ tầng cho thấy tín hiệu vui đến với kinh tế cửa khẩu. Với tiềm năng sẵn có, cùng những cơ chế, chính sách thuận lợi đối với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đã và đang đem đến cơ hội lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, để kinh tế cửa khẩu phát triển tương xứng tiềm năng cần đổi mới chính sách quản lý, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư. Trong đó, cần tập trung xây dựng cửa khẩu văn minh, hiện đại, đảm bảo thực hiện thông quan “một điểm dừng” cùng môi trường quản lý thông thoáng, hiệu quả. Thực hiện đầu tư đồng bộ công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất - nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế với hạ tầng hiện đại, dịch vụ đầy đủ, chất lượng. Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác đối ngoại và duy trì hội đàm định kỳ giữa Ban Quản lý các cửa khẩu Lào Cai với Ban Quản lý cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) nhằm trao đổi thông tin, kịp thời có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn trong quản lý cửa khẩu. Đồng thời thực hiện quản lý xây dựng theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, trong đó chú trọng việc hướng dẫn các dự án đầu tư ngoài ngân sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu thuận lợi và hiệu quả.