Sôi nổi các hoạt động động văn hóa tại Lễ hội trên mây Sa Pa 2013
Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội trên mây Sa Pa - 2013, sáng 27/4, huyện Sa Pa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia.Tại vườn hoa Sa Pa, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sa Pa tổ chức trưng bày 110 bức ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh (chuyên và không chuyên) tác nghiệp ở Sa Pa với chủ đề “Sa Pa tươi đẹp”. Đây là những tác phẩm được sáng tác từ năm 2012 đến nay, nhiều tác phẩm đã đạt giải cao trong các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.
Trong 140 bức ảnh về Sa Pa đã chọn ra 3 tác phẩm xuất sắc nhất. Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm “Huyền ảo Sa Pa” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Được; giải Nhì tác phẩm “Thêu thổ cẩm” tác giả Giang Sự; giải Ba tác phẩm “Vui chơi” của tác giả Thiện Hùng.
Du khách nước ngoài thăm quan khu trưng bày ảnh. |
Tại đây, du khách có cơ hội được giao lưu, trò chuyện với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, chủ nhân của các tác phẩm về những ngày tháng rong ruổi để ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của Sa Pa.
Bà con người Mông Sa Pa thích thú ngắm các bức ảnh. |
Lãnh đạo huyện Sa Pa trao giải cho tác giả đoạt giải. |
* Lễ hội “Một ngày làm nông dân”
Cũng trong sáng nay, UBND xã Tả Phìn đã tổ chức Chương trình “Một ngày làm nông dân” với sự tham gia của hàng trăm du khách và người dân một số xã trên địa bàn huyện. Tham gia Chương trình “Một ngày làm nông dân”, sau khi thưởng thức chương trình văn nghệ phong phú với các tiết mục múa, hát, tái hiện Lễ hội Pút Tồng và đám cưới người Dao đỏ, du khách được trải nghiệm với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đó là đăng ký tour đi rừng lấy lá thuốc, học cách pha chế thuốc tắm bằng thảo dược theo bí quyết của dân tộc Dao đỏ; tham quan trang trại cá hồi; chuẩn bị bữa ăn truyền thống và thưởng thức ẩm thực các dân tộc Sa Pa với nhiều món ăn ngon, như thắng cố, xôi màu; tham quan mô hình thêu may thổ cẩm, học cách làm thổ cẩm, thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Dao đỏ; khám phá kiến trúc nhà ở và phong tục truyền thống các dân tộc Dao, Mông…
"Du khách tham gia ‘làm nông dân”. |
Nét mới của Chương trình “Một ngày làm nông dân” năm nay, du khách không chỉ cùng nông dân Tả Phìn cày ruộng bằng trâu mà còn bằng cả máy cày theo chủ trương “dùng máy thay trâu” góp phần cơ giới hóa nông nghiệp của huyện. Sôi nổi và thú vị hơn cả là hội “đua lợn” lần đầu tiên được tổ chức ở đây. Dự thi có 20 chú lợn bản được nhân dân các thôn, bản mang đến dự thi. Các hoạt động trong Chương trình “Một ngày làm nông dân” do xã Tả Phìn tổ chức nhằm tôn vinh, giữ gìn nét đẹp giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, quảng bá tiềm năng du lịch của xã, tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiếu số tham gia du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Nhiều hoạt động mới lạ trong Chương trình “Một ngày làm nông dân” |
* Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ
Ngay từ sáng sớm, trên các nẻo đường đổ về trung tâm xã Tả Van có rất đông các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế để tham quan Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ. Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ có nhiều cấp bậc, mỗi bậc thể hiện trình độ khác nhau của các trò được cấp sắc. Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong cấp sắc cho người thụ lễ, như tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu… Lễ Cấp sắc mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, luôn được người Dao giữ gìn và phát huy, góp phần làm giàu hơn nét đẹp văn hóa các dân tộc trong huyện Sa Pa.
Anh Thanh, du khách đến từ Nghệ An cho biết: “Lần đầu đến với Sa Pa, tôi thật sự ngạc nhiên về vẻ đẹp thiên nhiên và sự hiếu khách của người dân nơi đây, đặc biệt được trực tiếp tham quan Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ. Mặc dù chưa có nhiều thời gian tìm hiểu về đời sống của người dân nơi đây, nhưng những gì được chứng kiến tại Lễ Cấp sắc thực sự là món quà ý nghĩa, ấn tượng”.
Một số hình ảnh trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ Sa pa: