Kinh tế Mỹ và châu Âu: Tâm trạng trái ngược
Kinh tế Mỹ “sáng” hơn
Thêm một dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bộ Lao động Mỹ ngày 3/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 của nước này đã giảm từ 7,6% xuống 7,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Báo cáo công bố ngày 3/5 của Bộ Lao động Mỹ cho biết bất chấp việc các khoản thuế tăng và sự ảnh hưởng của ngân sách chi tiêu cắt giảm, thị trường lao động Mỹ đã tăng thêm 165.000 việc làm phi nông nghiệp, vượt xa dự đoán của các nhà phân tích.
Thị trường lao động Mỹ đã tăng thêm 165.000 việc làm phi nông nghiệp. |
Theo báo cáo trên, số việc làm mới tập trung nhiều vào các ngành tư nhân với 176.000 việc làm, trong khi đó do tác động của việc cắt giảm nhân sự Chính phủ, số việc làm trong khu vực nhà nước lại giảm 11.000 công việc. Trong tháng 4, tổng số người thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 11,66 triệu người, so với mức 11,74 triệu người trong tháng 3.
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Alan Krueger lạc quan cho rằng báo cáo trên là bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục phục hồi và từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất sau cuộc Đại suy thoái.
Hồi tháng trước, Bộ Lao động Mỹ công bố bản báo cáo cho biết trong tháng 3, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 88.000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 220.000 của 4 tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp chung là 7,6%, giảm 0,1% so với tháng 2.
U ám kinh tế châu Âu
Trong báo cáo mùa Xuân công bố ngày 3/5, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ tiếp tục suy thoái trong những tháng còn lại của năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục 12%.
Theo báo cáo trên, GDP của 17 nước thành viên Eurozone sau khi giảm 0,6% trong năm 2012, sẽ tiếp tục giảm 0,4% trong năm nay, cao hơn so với dự đoán đưa ra hồi tháng 2 giảm 0,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp khá chênh lệch giữa các nước thành viên giàu ở miền Bắc và các nước nghèo hơn ở miền Nam.
EC dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone sẽ tăng lên mức kỷ lục 12% trong năm nay và 11% trên toàn Liên minh châu Âu (EU), trong đó Tây Ban Nha là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động 27% trong khi tỷ lệ này tại Áo chỉ là 4,7%.
Ngoài dự báo ảm đạm về tình hình kinh tế Eurozone, EC cho biết năm 2013, kinh tế Pháp và Cộng hòa Síp đều rơi vào suy thoái, trong đó Pháp sẽ tăng trưởng âm 0,1% trong năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 10,6% trong năm nay lên mức 10,9% trong năm 2014. Thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực Eurozone này cũng được dự báo sẽ tăng từ 3,9% GDP trong năm nay lên 4,2% GDP trong năm 2014. Cộng hòa Síp cũng rơi vào suy thoái trầm trọng khi GDP được dự đoán giảm 12,6% trong vòng 2 năm tới (8,7% trong năm nay và 3,9% trong năm 2014).
Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng được dự báo chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng do “bong bóng” nhà đất kéo dài suốt một thập kỷ tại nước này gây ra. EC dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 1,5% trong năm 2013 trước khi có thể đạt mức tăng trưởng 1,4% trong năm 2014.
Tuy nhiên, theo báo cáo trên, Hy Lạp sẽ lần đầu tiên đạt tăng trưởng sau 6 năm suy thoái liên tiếp. EC dự báo có thể quốc gia thành viên Eurozone này sẽ đạt mức tăng trưởng 0,6% trong năm 2014 sau khi tăng trưởng âm 4,2% trong năm nay./.