Lào Cai với Chiến dịch Ðiện Biên Phủ
Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương và chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta ở đây. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Quyết tâm chiến lược của Đảng bắt đầu được thực hiện bằng quyết tâm hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Đảng đã huy động sức mạnh của quân và dân cả nước hỗ trợ và cung cấp bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi.Dân công thồ gạo bằng xe đạp lên Điện Biên Phủ. Ảnh: t.l |
Lào Cai từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), nhất là sau ngày giải phóng (1/11/1950), để khắc phục khó khăn, chi viện cho chiến dịch lớn, quân dân Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, đặc biệt là tổ chức tiễu phỉ ở Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, loại khỏi vòng chiến đấu 7.700 tên, làm tan rã 5.000 tên, không để chúng bao vây thị xã tỉnh lỵ. Tấn công truy quét các toán biệt kích, vũ khí, điện đài và lương thực, thực phẩm địch thả dù từ máy bay xuống Si Ma Cai, Bắc Hà, giữ vững vùng giải phóng.
Từ sau Chiến dịch Tây Bắc đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài nhiệm vụ công tác trung tâm là phá âm mưu gây phỉ của đế quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai còn có nhiệm vụ xây dựng và củng cố hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Từ giữa năm 1953, Đảng bộ tỉnh đã triển khai công tác phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Trải qua 8 năm kháng chiến, tình hình mọi mặt ở tỉnh đã có những thay đổi to lớn: Đảng bộ ngày càng trưởng thành, đủ sức lãnh đạo quân và dân địa phương, tiến lên giành những thắng lợi mới; bộ đội địa phương và dân quân, du kích đã có những bước trưởng thành rõ rệt, khả năng chiến đấu ngày càng cao; hậu phương đang tiếp tục xây dựng và củng cố vững mạnh. Qua phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và đấu tranh tiễu phỉ, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển với khí thế mới… Trong suốt cuộc kháng chiến, chưa bao giờ quân và dân Lào Cai đứng trước nhiệm vụ đảm bảo sản xuất, phục vụ tiền tuyến nặng nề như Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, nhưng cũng chưa lúc nào lại có phong trào sôi nổi, hào hùng như phong trào bảo đảm cung cấp, phục vụ tiền tuyến như dịp này. Cuộc chiến đấu trên mặt trận cung cấp, bảo đảm giao thông vận chuyển cho tiền tuyến diễn ra hết sức khẩn trương và quyết liệt, đặc biệt thời gian từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1954. Việc bảo đảm cung cấp, bảo đảm giao thông, vận chuyển ra mặt trận của quân và dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Mặc dù đã huy động sức người, sức của phục vụ các chiến dịch tiễu phỉ ở địa phương, tỉnh cũng đã đóng góp vào Chiến dịch Điện Biên Phủ 89.215 công người; 25.934 công ngựa thồ; 2.700 công thuyền; 511 xe trâu kéo và 615 xe đạp thồ và sửa chữa 38 km đường Lào Cai đi Sa Pa với 16 chiếc cầu lớn, nhỏ, góp phần vào thắng lợi của toàn chiến dịch…
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (giai đoạn 1947 - 2007) viết: Ngay sau ngày Lào Cai được giải phóng (tháng 11/1950), đi đôi với lãnh đạo công tác tiễu phỉ, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Trong đó, Tỉnh uỷ đã coi trọng việc điều chỉnh lại ruộng đất, kiểm tra và uốn nắn những sai sót trong việc thực hiện chính sách đối với ruộng công, ruộng hoang, ruộng vắng chủ, đồng thời tiếp tục tạm cấp ruộng đất của một số thổ ty phản động chạy theo thực dân Pháp. Ở Mường Khương, Bắc Hà, ta rút được số ruộng có sản lượng 78.800 kg thóc của các thổ ty Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) và Nông Vĩnh An (Mường Khương) chia cho nông dân. Ở Phong Thổ, ta giao một số ruộng có diện tích cấy 9.006 kg thóc giống cho một số nông dân thiếu ruộng. Lào Cai là tỉnh không tiến hành các đợt phát động quần chúng giảm tô, nhưng từ tháng 8/1953 đến đầu năm 1954, kết hợp việc thuyết phục các đối tượng, với vận động quần chúng đấu tranh, bước đầu ở Mường Khương nông dân đã được giảm tô 1.148 kg thóc; ở Bảo Hà giảm tô được 7.790 kg thóc và giảm tức được 186.800 đồng tiền ngân hàng. Đảng bộ lãnh đạo xây dựng và phát triển được 1.062 tổ đổi công, tăng hơn 500 tổ so với năm 1953…
Những thành tích đạt được đó, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đã góp phần quan trọng để Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ, chi viện cho Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, cùng cả nước làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai tự hào với những đóng góp sức người, sức của, chung sức cùng chiến dịch lịch sử của dân tộc. Truyền thống ấy đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng các tỉnh trong vùng Tây Bắc hôm nay củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và nghị lực sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu lịch sử.